gợi sự thích thú, thưởng ngoạn--đấy là cây xanh, gió mát, và không khí trong lành của mùa hè, chứ còn mỹ nhân thì dạo này không còn đi tuyến đường cạnh bờ hồ như lúc trước nữa cho nên không còn dịp ngắm phái đẹp.
Mãi tới hôm nay tôi mới đạt tới cảnh giới thứ 3, đạp thích thú, hăng say không thấy mệt, và kết quả cụ thể: vượt kỷ lục 45' của mình hồi tháng sáu, hôm nay đến công ty trong vòng 40 phút. Có lẽ sự thích thú nó đi đôi với năng suất. Cũng có lẽ sau một tháng đạp xe đạp, sức khỏe đã có phần khắm khá hơn trước kia. Để xem sẽ duy trì được mức độ này được bao lâu.
Nhắc đến thưởng ngoạn, mỗi lần đạp về ngang con sông Humber, mùi bùn sình từ dưới sông ngát lên, làm tôi nhớ quê Gò Công của tôi quá. Nhớ lúc xưa đi tắm sông với mấy đứa trẻ cùng xóm. Nhớ những lần đi kéo cá cơm, kéo tép cùng với Bà Nội tôi. Nhớ cả những lần tôi ương ngạnh, bướng bĩnh, tự bỏ về, mặc cho Bà tôi kéo một mình (lúc đó tôi chắc khoảng 8-9 tuổi). Xin lỗi Nội!
Hôm qua ghé châm xăng, ý ẹ, $1.41/L--tôi dùng xăng 89% ốc-tan cho nên hơi đắt hơn xăng thường (87%).
Chắc là phải phủi bụi chiếc xe đạp bạn đồng hành với tôi thời Đại Học--phụ thân tôi đã mua cho với giá $100. Hơn chục năm nay chưa dùng tới nó.
Hình chụp năm thứ nhất Đại Học (1991), bên cạnh chiếc xe đạp, với anh Nam và anh Minh, sau máy chụp là anh Cường. Minh giờ đã "theo nàng" về thung lũng tình yêu, ý quên Thung Lũng Silicon; Cường thỉnh thoảng vẫn còn liên lạc. Duy có anh Cao Thanh Nam thì mất liên lạc. Anh Nam khi học chung năm đầu khoa Toán, cùng với anh Cường, ba đứa thuê chung tầng hầm của bác Clarke. Anh Nam nấu ăn giỏi lắm, nên suốt năm đã kiêm đầu bếp cho ba đứa tôi. Bao nhiêu năm qua tôi vẫn còn nhớ ơn anh. Tiếc thay, sau năm đầu, do có chuyện gia đình gì đó nên anh đã phải thôi học.
(khoảng) 3 tây tháng 6, 1997:
Nghe tin Nội tôi (78) do đi đứng bị trợt té mà nằm liệt, tôi từ Canada bay về VN thăm. Ba tôi đã bay khẩn về hơn một tuần trước đó, còn tôi lo phải thu xếp công việc nên mới về sau. Hơn một tuần lễ, Ba tôi hầu cận bên cạnh bà trong bệnh viện, nhưng xem chừng lành ít dữ nhiều, nên bác sĩ đề nghị nên cho bà về nhà. Sau hơn 10 năm, tôi gặp lại bà trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Tôi ôm bà khóc một phen. Bà nhận ra tôi. Liền đó, bà quyết định trao chiếc vòng cẩm thạch lại cho tôi--chiếc vòng mà suốt quản đời, đã không hề rời xa cườm tay bà kể từ khi 19 tuổi. Tôi van bà hãy để lại cho Ngũ Cô (con gái duy nhất trong gđ), nhưng Bà một mực không chịu. Chiếc vòng được tuốt ra khỏi tay. Vài hôm sau Nội tôi qua đời.
Từ đó chiếc vòng đã trở thành biểu tượng cho Nội tôi. Nói theo kiểu "kiếm hiệp" thì là: thấy vòng như thấy người.
Duyệt nhanh lại vài mảnh thư từ củ.... Tháng 10, 2002:
...
Ta muốn nói về vòng cẩm thạch, di vật của Bà Nội. Bởi Nội thương lo cho con, muốn con sớm thành gia thất nên vào những ngày giờ cuối của cuộc đời, Nội không thấy còn gì khác ngoài vòng cẩm thạch trên tay muốn để lại cho con làm lễ vật khi cưới vợ...Ngụ ý khi con trọn bề gia thất thì Nội mới yên tâm. Con phải biết hiểu ngụ ý của Nội là muốn thấy con thành vợ thành chồng, chứ chưa hẳn là muốn trao vòng cẩm thạch một đời gìn giữ của Nội cho một người ngoại tộc.
...
...
...
Vì những lý do trên, Ta quyết định giữ vòng cẩm thạch cùng những di vật của Nội còn tại VN như những di vật gia phả. Chỉ có ai thuộc cùng huyết thống của Bà Nội mới được gìn giữ quản lý mà thôi!
Hmm....Thì ra chiếc vòng từ VN đã xuất ngoại, để rồi nhập nội từ bao giờ. Nhiều lúc tôi phân vân, muốn chôn vùi và quên đi những lời đáng lẽ không nên thốt ra, cử chỉ đáng lẽ không nên làm. Tôi biết cần phải cho nó qua, nhưng dường như tinh thần chưa đạt đước đến bước đó, bởi lòng vẫn còn đau. Chắc là nay mai thôi, và hôm nay là một sự bắt đầu. Phần lớn đều là lỗi tại tôi. Cách cư xử cứng đơ của mình hiếm có ai hiểu được.
Hôm nay là mùng 1 tháng 5. Bà tôi mất, tính đến nay đã tròn 10 năm.
Nội tôi là người không có đạo (ngoài việc thờ cúng ông bà). Nhưng, nhớ lúc xưa khi kể chuyện, bà hay nhắc đến "Ông Trời" và "thời khai thiên lập địa", cho thấy bà đã có ý niệm về Đấng Toàn Năng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Vào khoảng gần cuối cùa đời, bà hơi nghiêng về bên đạo Phật. Là dân nhà nông, câu mà bà thường hay thủ thỉ bên tai tôi:
Mong Trời mưa xuống, có nước tôi uống, có ruộng tôi cày...
Nếu nói đến đọc kinh giỗ trong gia đình, thì có nhiều kinh khác nhau để đọc lắm. Tôi gửi anh/chị link nói về đọc kinh giỗ: http://thanhlinh.net/caunguyen/CacLinhHon/ThamNhiaTrang.htm
...
Đọc kinh giỗ trong gia đình tại nhà, tôi đề nghị bỏ hết phần trên từ kinh cầu các Thánh của trang Thánh Linh.
Đầu tiên làm dấu, đọc kinh Chúa Thánh Thần, kế đó kinh Ăn năn tội, tiếp nên đọc Năm sự thương, sau khi đọc xong Năm sự thương, đọc tiếp kinh Cầu Các Thánh, kế đó nên đọc thêm hai kinh kính tên Thánh của Cụ, và sau đó tiếp tục đọc theo trang Thánh Linh (phần kế của Kinh cầu các Thánh)cho đến hết.
Hồi còn ở Nhật và mấy năm đầu sang đây, tôi rất siêng năng đọc kinh. Nhưng sau đó, và đã khá lâu, không đọc kinh ban sáng hằng ngày. Thôi thì sẵn dịp, đọc theo các kinh ban sáng ngày thường cho trọn, cầu cho Nội và cũng là cầu cho con, cầu cho người chết và kẻ sống luôn thể.
+++
Mười một năm cộng mấy tháng lẻ trước đây (01/1997), một chàng nai tơ chân ướt chân ráo, từ giả mái trường, chính thức bước vào kiếp tầm tơ. Anh ta được giao trách nhiệm tét-tơ (tester) tại một công ty phần mềm ở đô thị. Ngoài giờ "tét", anh ta nghiên cứu thêm kỷ thuật lập trình, tình nguyện nâng cao chức năng sản phẩm của công ty (một hành động hơi táo bạo), và biểu diễn chức năng cho bà quản lý dự án.
Anh chàng ấy là tôi.
Một năm sau đó, tôi được chính thức chuyển sang nhóm lập trình.
Năm sau nữa (tức là kinh nghiệm chuyên gia lập trình mới gần đầy một năm), cơi hội mới lại tới: tôi được ông sếp cũ mời cộng tác ở công ty mới mở, với chức vụ "lập trình viên cao cấp" (?), cùng với một anh chàng khác, kỳ cựu hơn, mỗi thằng đảm trách nhiệm thiết kế và phát triển toàn bộ một sản phẩm mới. Chân ướt chân ráo bước vào nghề, trọng trách này thật quá khả năng tôi. Tôi nỗ lực cực độ. Vì biết kiến thức còn hạn hẹp nên anh kia ráng một thì tôi ráng ba. Tôi làm việc như điên, đôi khi làm suốt 48h không ngủ, nghiên cứu, nặn óc, giải thuật, viết mã, thử nghiệm, v.v... Sau đó cuống luôn chăn chui, vào công ty ngủ ngay dưới chân bàn làm việc. Nỗ lực như thế nhưng tôi vẫn không làm bằng anh chàng kia--sản phẩm của anh đã gần xong còn phần tôi thì chưa tới đâu cả, lỗi đầy tràn. Khi đã ráng hết sức thì nhận ra mình còn cần phải ráng hơn. Áp lực công việc dẫn đến nhiều cơn ác mộng. Bao lần chồm dậy giữa đêm khuya toát mồ hôi. Cảm giác mình có nguy cơ bị đuổi việc do sự trì trệ, bất lực. Tự nhủ mình phải làm cho bằng được, vì đấy là cơ hội dựng nghiệp, là sự sống còn của những gì là mình...
Hơn mười năm trôi qua. Công ty tôi lớn lên rồi cũng nhỏ lại, người đến rồi người đi. Trong số ba người nhân viên đầu tiên, giờ chỉ còn tồn tại có tôi. Công ty bây giờ tuy chưa hẳn là đã thành công to tát gì, nhưng vượt qua được cơn suy sụp của thời bong bóng đót-com cũng không phải là dễ, sản phẩm tạm ổn, đã sẳn nền tảng để phát triển thêm. Nỗ lực bây giờ là cần nhắm vào chiến lược thị trường hơn là gầy binh. Bá chủ thiên hạ chỉ trong nay mai, bằng không nếu "được" đương kim bá chủ thiên hạ "thôn tín" thì âu cũng là phước đức ông bà.
Gần đây có anh bạn (không cùng ngành) đang vấp phải những khó khăn tương tự của bước đầu sự nghiệp, gợi nhớ những gian truân của tôi lúc trước kia, nên viết mấy dòng trên, hy vọng khơi gợi được tiềm lực và sự quyết tâm tương tự nơi bản thân anh. Đừng bỏ lỡ cơ hội. Nếu một thằng khờ như tôi làm được bảy phần thì anh chí ít phải làm được chín phần,bởi dù sao tài ngoại giao của anh cũng khá hơn tôi. Chúc anh sớm vượt qua chướng ngại đầu, thẳng tiến đến thành công, bởi đây là một nhịp cầu rất tốt cho sự nghiệp về sau. Lời cuối, hãy nghĩ về cháu AB, làm động cơ thúc đẩy cho sự vươn lên.
Tờ Toronto Star hôm qua có đăng bài viết về một cậu học sinh ESL, tên Grigori Drobot, tuy là đang mắc bệnh tự kỷ, đã đoạt giải trong một cuộc thi Đánh Vần. Có đoạn ghi lời kể của cô giáo của Grigori, cô Edda Mindreau, như sau:
His father just told me that 'sometimes he doesn't pay attention'.
(Ba của em vừa mách với tôi rằng 'đôi khi thấy tâm trí em không mấy gì tập trung cho lắm').
Đang ngồi ăn trưa, đọc tới câu này làm tôi ơn ớn lạnh. Nhớ năm xưa khi còn học ở Waterloo, đôi khi đang cố chú tâm học bài thi, thì đầu óc tôi cũng đã lơ đễnh đâu đâu ấy, khó mà tập trung vào bài học. Thậm chí thi rớt mấy lần (nguyên nhân thực tế có thể do nhiều yếu tố cùng tác hợp, ví dụ như mê chơi game chẳng hạn ). Sau đó, một đêm nọ tình cờ bắt thấy mục quảng cáo trên ti-vi về chương trình Mega Memory của bác Kevin Trudeau, và trong sự cố gắng tự chữa một cách liều mạng, tôi đặt mua về để luyện trí nhớ. Kết quả gặt được, có thể chỉ là cái được gọi là "hiệu ứng plà-xi-bồ", bởi nghe đâu đây là một sự quảng cáo lừa dối. Nhưng nhìn lại, trong khoảng thời gian đó, rất có thể là tôi đã vướng bệnh tự kỷ.
Hôm Thứ Bảy rồi, cụ thân mẫu nhà tôi cùng gia đình Chú Ba nó đi Hội Chợ Tết ở Quảng Trường CNE (Đài CityNews có bài phóng sự). Còn tôi, theo thói quen "phản xã hội", đã ở nhà...ngủ.
Mấy hôm trước, thấy đài truyền hình địa phương, khi nhắc đến Tết, đã dùng cụm từ "Vietnamese New Year" thay vì "Chinese New Year", đủ chứng tỏ cộng đồng người Việt tại đây đã đạt được một chỗ đứng khá đáng kể trong lòng người bản xứ so với 20 năm về trước. Nhưng Tết nơi xứ người làm sao bằng Tết ở quê nhà, sau hơn 20 năm phiêu bồng, nhất là khi hoàn cảnh không cho cơ hội ăn mừng (Tết đến giữa tuần làm việc). Tết ở đây rời rạc. Trời mùa đông lạnh buốt hồn viễn xứ. Người tha hương nào ở nhà tha hương nấy.
Năm 2006 tôi đã có dịp về quê ăn Tết. Quang cảnh giao thừa ở đường phố Sài Gòn tấp nập và vui nhộn không thể tả. Đó là lần đầu tiên, sau nhiều năm dài, tôi được hưởng hương vị Tết ở Việt Nam. Không kém sự mỉa mai, tôi đã được một người bạn Tây (gốc Anh) hướng dẫn đi dạo phố và dạo quán (ông ta có quán rượu ở Sài Gòn).
Nhớ hồi ở quê nhà (bảy, tám, chín, mười tuổi gì đó), mỗi năm hai bà cháu tôi lên Sài Gòn ăn tết. Cửu Thúc chở ra bến Bạch Đằng coi pháo bông. Xong về nhà, Bà Nội tôi và Cô Năm tôi làm bánh tét, bánh ít. Tôi ngồi kế bên bếp, ôm chân Nội, chờ cơ hội phụ...ăn thử. Có lần buồn ngủ quá thức không nỗi, bèn phải đi ngủ trước. Sáng sớm Nội đem bánh ra chợ bán, lúc nào cũng để lại, lúc thì cái bánh ích nhân đậu sanh, lúc thì khoanh bánh tét nhân dừa, nhân chuối, cho tôi có ăn khi thức dậy. Lúc xưa tôi là đứa bé hư hỏng, nhưng Nội thương tôi nhất.
Giờ đây, nhìn thấy những gì tôi đã làm, không biết Nội có quỡ trách tôi không. Tự tôi biết câu trả lời.
Xin Chúa ban ơn phúc cho Nội, suốt cuộc đời vì con, vì cháu, không chút nghỉ ngơi mãi đến khi an nghỉ ngàn thu. Đây, cháu bất hiếu thắp nén hương lòng, tưởng nhớ ơn dưỡng dục của Nội nhân dịp Tết Năm Tuổi của con. Đồng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tiền bối, bằng hữu. Người đi trước chỉ đường kẻ theo sau. Không có người thì sẽ không có ta. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả.
+++
Sáng Thứ Bảy vừa rồi bật TV chợt thấy đài YTV chiếu lại chương trình này. Gợi nhớ năm 1986 hồi mới đến xứ Rừng Phong, ở 2467 Dundas West, học lớp 9 ở trường Bloor, mổi sáng 7h30 thức dậy với điệu nhạc của Alvin and The Chipmunks trên cái TV 5' trắng đen mà phụ thân tôi mới mua.
Mấy ngày nay có dịp chạy ngang qua tòa chúng cư trên đường Jameson, khi đi làm. Tòa cao ốc này gợi lại trong tôi chút kỷ niệm xa xưa, năm '86, khi hai cha con, chân ướt, chân ráo, lưu lạc đến xứ lạnh rừng phong này, được ManPower trợ cấp cho một căn phòng đơn sơ ở tạm. Một tấm ra trải nằm trên sàn nhà. Một cái mền hai cha con cùng đắp. Tiếng Tây tiếng u thì chữ được chữ không. Đi mua muối ở tiệm lặt vặt (convenience store) gần đấy, hỏi bà chủ "where I can find sel?" Bà chả hiểu. Phải múa máy tay chân một hồi bà mới vỡ lẽ, "Oh, salt! You want salt. Oh my God!"
Cảm nhớ sự hy sinh và bảo bọc của cha già vào những thời buổi đầu. Ơn cha như núi Thái Sơn...mong rằng ngày nào đó, nghịch tử sẽ được dịp báo phụ ân. Trong khi chờ đợi, con mượn lời của Ngọc Sơn chuyển đến cha tâm tình của nghịch tử.
Vừa hồ hỡi đón giao thừa 2007--như năm ngoái--bằng cách ngồi ở nhà bật tivi lên xem người ta dầm mưa, thở ra khói, đứng nhố nháo ngoài Nathan Phillips Square (Toronto) và Time Square (New York) cùng một lúc (tivi có PiP). Cũng cùng với mọi người đếm xuống từ 10 tới 1 giây cuối cùng của năm 2006, rồi một mình la hét rùm trời nhà, "Happy New Year!!!! Whooooooooooo!!!!!!!!!!!!!!!!!". Rồi thì họa theo cô ca sĩ xướng ca bài Auld Lang Syne, cô ta hát lời Anh, mình hét lời Việt:
Ò e, Rô Be đánh đu,
Tặc Răn nhảy dù,
Sạc Lô bắn súng,
Chết cha, con ma nào đây,
Làm tui hết hồn,
Thằn lằn cụt đuôi.
Hì. Nhớ thời nhỏ, 6-7 tuổi gì đó, khi tết đến, được Bà Nội dắt lên Sài Gòn chơi, nghe mấy đứa nhóc hàng xóm hát bậy bài này, vậy mà cũng bị nhồi sọ, nhớ mấy lời tầm phào vậy.
Đã dự định sẽ lên thăm nhị đệ, cùng đón giao thừa với gia đình nó, nhưng rồi lại bị mắc cái cảm cúm, nằm liệt mấy ngày nay, đi không nổi nữa.
May có phụ thân và tam muội xuống thăm hồi trưa, mua 3 tô phở nóng, ba cha con cùng ngồi ăn ngon lành. Xong, hai anh em cùng xem cuốn phim X-Men: The Last Stand (2006), trong khi phụ thân lấy đờn vọng cổ ra tằng tăng. Rồi thì mọi người về hết, mình leo lên giường đánh một giấc, tới 22h00 thì bò xuống lầu mở tivi lên xem chương trình đón năm mới trên CityTV và Fox/29.
Coi như năm 2006, một năm nhiều sầu muộn, cuối cùng đã kết thúc với một vài điểm khả quan. Hy vọng 2007 sẽ đem lại nhiều ánh sáng hơn nữa, tùy theo Ơn Trên khoan hồng.
Mẹ tôi. Từ nhỏ tôi không được sống gần mẹ tôi. Bà đi buôn bán nơi phương xa trong khi Ba tôi đi "học tập cải tạo". Tôi sống với Bà Nội tôi. Bà tôi lo cho tôi ăn học, cưng tôi lắm, nên cũng đã bù được phần nào cái lẻ loi phải xa cha lẫn mẹ.
Dòng đời éo le, khi Ba tôi về thì niềm mơ ước, cảnh gia đình đoàn tụ như tôi đã từng đọc trong sách lớp 3--tôi vụt chạy ra đón Ba, nhảy tót ôm vai mừng Ba đã về, trong lúc Mẹ bồng em ra trước sân nhà chờ đợi--đã không được thành hiện thực.
Vì tạo dựng tương lai cho tôi, Ba dẫn tôi mạo hiểm ra nước ngoài. Năm đầu Ba "cày kéo" thật vất vả lo cho tôi ăn học. Tôi cố tiện tặn, chú tâm vào việc học, không chơi bời, để Ba đỡ gánh nặng. Nhớ có lần Ba dẫn tôi đi xin tiền trợ cấp vé xe buýt cho tôi đi học, bị nhân viên từ chối vì không hội đủ điều kiện, nhìn nỗi thất vọng tràn trề trên mặt tôi chắc Ba đã không khỏi xót xa. Ba tôi an ủi: "Thôi con đừng lo. Để Ba cho con thêm tiền mỗi tuần để đi xe buýt." Mấy tháng sau, Ba tôi tìm mướn nhà gần trường tôi. Tôi chỉ cần đi bộ 5' là đến lớp.
Ba tôi đi bước thứ hai.
Chung chung, Dì tôi chăm sóc cho tôi khá tốt, nhưng cảnh mẹ ghẻ con chồng làm sao không khỏi chỗ bất hòa đồng. Ba tôi thương tôi lắm, nhưng trong những lúc này, tôi ước ao nếu có Mẹ tôi bên cạnh thì hay biết bao. Không biết Mẹ có linh cảm được rằng, mình đang cảm thấy côi cút lắm hay không?
Mẹ tôi sang.
Lúc đầu tôi chẳng muốn nhìn lại bà, vì tôi hận bà đã bỏ bê tôi. Nhưng rồi thì em tôi (nó đã sống với Mẹ từ nhỏ), rồi cả Ba tôi can thiệp, khuyên nhủ, nên kết cuộc hai mẹ con tôi ôm nhau khóc sướt mướt.
Mẹ tôi ở với em tôi. Khi Mẹ giận vợ chồng tụi nó, bà bệnh nằm gường ai khuyên ăn cũng không chịu ăn. Tôi lên thăm, ghé Swiss Chalet mua hộp súp nóng lên thổi đút cho Mẹ thì Mẹ ăn liền. Khi khác nghe người báo tin Mẹ trở bệnh phải đưa đi nhập viện, tôi đang làm việc, vội bỏ hết tất cả, xách xe vọt ngay vào bệnh viện xem thực hư. Đêm hôm đó tôi ngồi ghế bên cạnh giường bệnh Mẹ để trông nôm. Sáng hôm sau Ba tôi ghé thăm, "thay ca", tôi, hai mắt trắng dờ, đạp ga xe dông vào công ty làm cho xong công việc vỡ lỡ. Chiều hôm đó Mẹ tôi xuất viện bình an vô sự.
Tưởng đã hàn gắn lại được mối quan hệ thiêng liêng. Đùng một cái, vì chút chuyện vật chất không đáng gì mà đã...
Kẻ mồ côi xưa kia nay lại thêm danh hiệu kẻ lạc loài.
Mẹ ơi, có lẽ Mẹ nói rất đúng--Mẹ là Mẹ của con mà, dĩ nhiên phải nhận xét đúng đắn về con thôi. Những việc con đã làm đấy đều toàn là giả dối, thiếu sự thành thật. Đã vài lần ý nghĩ ấy có thoáng qua trong tâm trí con: chắc bản tính của con là giả dối. Con thật hư quá, đã vô phương cứu chữa rồi.
Chà! Đang ngồi vừa làm việc vừa nghe chương trình EuroDance của đài Digitally Imported, qua Áp-Lếch Nghe Sóng SHOUTCast, nghe họ phát thanh toàn là mấy bài nhạc New Wave thời '88-'89--những bài như Chery Chery Lady, Touch By Touch, Love Is the Name of the Game, You're a woman, Touch my Heart, Jump in My Car--làm mình nhớ lúc còn đi học trung học quá xá. Hồi đó được thằng bạn T.L.Trúc giới thiệu cho cuốn băng New Wave của đám ca sĩ Việt thâu lại, mê quá, đi học cứ đeo theo cái walkman Toshiba của ba tôi mua cho, mỗi chiều đi học về là đeo ống nghe, vừa đi vừa mở nhạc đập chan chát bên tai. Có hôm đợi xe buýt lâu quá không thấy đến, cao hứng cuốc bộ 3-4 cây số từ trường Bloor về đến apartment trên đường Richmond, vừa đi vừa nghe.
Nay chợt gợi lại, không khỏi ngậm ngùi nhớ bạn xưa. Thời gian sao chóng trôi qua, thoáng cái đã gần 20 năm. Kiếp phù du ...họp đó rồi lại tan đó. Quà tặng cho nhau âu chỉ là những giây phút ngắn ngủi của thâm tình, đọng lại trong ký ức đâu đó đã bị lãng quên, chờ đợi những đợt gợi cảm thế này để đem nó về với ta nơi hiện tại. Trúc, Vỹ, hai thằng mắc dịch tụi bây nay đang trôi dạt phương nào???
Đang ngồi chờ quá trình tự xây dựng thi hành xong để kiểm tra, tôi đảo lên mạng trượt chơi tí, "siêu tầm" ra được cái mạng này về Gò Công . Hihi...Xin phép các bác quản trị mạng cho tôi bắt nối ké tấm ảnh này nhé! Có dịp sẽ ghé thăm pho-rum của các bạn nhiều hơn.
Quê tôi đó. Lúc xưa ở quê nhà, phía sau nhà tôi cũng có cái sông y như vậy.
Hồi còn bé, tôi với Bà Nội tôi, mỗi tối hai bà cháu đã từng ngâm mình, nước lên đến ngực, đi kéo cá cơm và kéo tép bên mép sông. Thuở ấy tôi thường sống với bà, nên cảm giác gần gủi như một người Mẹ hơn là một người bà. Những lúc thấy tôi bị chú út tôi ghẹo khóc, bà liền rầy chú, bảo "mầy đừng có ăn hiếp em". Nội cưng tôi lắm. Cháu đích tôn mà. Tiếc thay, nay đã bị truất phế rồi.
Giờ nhìn lại ảnh này, bao kỷ niệm tiềm tàng và sao lãng trong ký ức chợt ập về, làm tôi nhớ Nội tôi quá. Nội ơi! Bao nhiêu năm nay vắng bóng Nội, cháu bơ vơ, lẻ loi một mình, nên bị người đời ăn hiếp quá Nội ơi! Nội mau về bênh vực cho cháu đi ... huhuhu. Xin Chúa dủ thương ban hồng ân đến với những người thân yêu của con. Amen.
Hồi thời niên thiếu, tôi có dịp "giao du" nơi đất Phù Tang, tại thị trấn Kashiwazaki, thuộc tỉnh Niigata, và đã hân hạnh được làm quen với một cô nàng tên Nga. Nga nhỏ hơn tôi một tuổi. Cô nàng rất liếng lắc và tinh nghịch thật dể thương. Tuy chỉ quen nhau một thời gian ngắn nhưng hai đứa chơi rất thân. Tuối ấu thơ chẳng biết nghĩ ngợi gì xa xăm, hai đứa hay đùa giỡn với nhau bên triền đồi núi phía sau nhà thật là thơ mộng. Nàng hình như có tình ý gì đặc biệt đối với tôi. Ngược lại, lúc bấy giờ tôi ngu ngơ như một chú bé, chẳng mấy để tâm đến tình ý của nàng.
Rồi sau đó, tôi và gia đình phải dọn đi nơi khác. Ngày xuất hành nàng bị đau chân không đi tiển biệt tôi được, nhưng không quên viết bức thư, kèm theo một món quà từ biệt, nhờ nhỏ bạn đưa dùm cho tôi.
Tại nơi cư ngụ mới ở thị trấn Karasuyama, thuộc tỉnh Tochigi, gia đình tôi lại tạm ở đậu tại nhà xứ của một vị linh mục. Tôi còn nhớ một hôm, đang chuẩn bị đọc kinh ban tối tại phòng nguyện thì có cú điện thoại gọi đến...có người muốn tìm tôi! Tôi ngạc nhiên cầm lấy ống nghe. Bên kia đường dây lại là tiếng của cô nàng. Tôi vì lo hao tốn phí tổn cho cú điện thoại viễn liên đối với đường dây điện thoại của vị linh mục, nên nói hoa loa mấy câu với cô nàng rồi vội vàng cúp máy.
Đó hình như là lần cuối tôi liên lạc với nàng. Sau đó gia đình tôi lại lưu lạc sang xứ rừng phong này, và hai đứa tôi hoàn toàn mất liên lạc với nhau từ đấy. Đến nay đã 20 năm qua.
Nga nhi, chẵng biết bây giờ em đang ở đâu và đang làm gì, nhưng anh hy vọng em đang hưởng một cuộc sống ấm êm và hạnh phúc. Xin Chúa luôn ban nhiều bình an và phúc lành cho em cùng gia đình. Đôi dòng trên đây là để tưởng nhớ đến tình bạn ngắn ngủi của hai ta.
Recent Comments