Sau một tuần ấm lạ thường (nhiệt độ cao nhất lên tới 19°C) kết thúc Mùa Đông 2010--hôm qua là ngày xuân phân--cuối tuần vừa rồi trời Toronto lạnh trở lại. Thứ Bảy đi dự tiệc sinh nhật của cu J--tụi nhóc được "thả giàn" một đêm, chơi khuya tới hơn 4h00 sáng mới đi ngủ. Đến chiều Chúa Nhật mới về. Tối, Tam Muội chạy xuống thăm.
Tối Thứ Bảy, ngồi "nhâm nhi" chai St. Remy, nghe/xem tụi nhóc hát Karaoke bài Bohenian Rhapsody, lần đầu tiên giật mình với lời nhạc u ám: "I sometimes wish I'd never been born at all" và "nothing really matters to me". Cảm giác nhất thời: khi một người có cảm giác ghê gớm vậy, không những lỗi do gia đình và môi trường, nhưng còn là lỗi do chính bản thân không tự nhận trách nhiệm với cuộc đời mà mình được ban tặng. Xã hội thật sự đang gặp tệ nạn, khi ta được nghe câu "Ông Trời thật sự thương yêu bạn, dù cho bạn có làm điều ghê gớm gì đi nữa", và lập tức cười chua chát đáp rằng "Đó chỉ là một sự giả dối". Vì bởi, nếu Ông Trời thật sự không thương ta, thì tất nhiên "nothing really matters" (mọi thứ đều là vô nghĩa). Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu trong vườn Gethsemane cũng vì lý do này.
Sáng nay, chở mẫu thân đi khám chuyên khoa mắt. Nghe bà tả rằng mắt bị xốn. Nghe bác sĩ nói bị trầy giác mạc (corneal abrasions).
Gần đây tôi bị thêm "chứng bệnh câm", không tha thiết "nhiều chuyện" nữa. Hy vọng đây là dấu hiệu của giai đoạn trải nghiệm sự "phó thác", hơn là gì gì khác.
Hôm nay là Lễ Tro. Sáng nay trên đường đi làm, lần đầu tiên tôi ghé viếng Thánh Ambrose trên đường Browns Line, rất gần chỗ tôi làm việc. Khi xưa Thánh Ambrose đã từng dẫn đường cho Thánh Âu Tinh ra khỏi chốn sa đọa, thì nay tôi cũng xin ngài soi đường cho tôi đi. Nhà thờ đã hành lễ hồi 8h00 sáng. Khi tôi đến thì thánh đường vắng tênh, chỉ có tôi, Thánh Ambrose, và Chúa. Hương vị trong ngôi thánh đường này làm tôi nhớ đến phòng trọ của tôi hồi thời học Đại Học.
Tối nay nhà thờ Thánh Cecilia của Cha Tập sẽ làm lễ vào 19h15, hy vọng tôi sẽ về kịp để dự.
Kinh ăn năn tội
Lạy Chúa! Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự. Con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.
Ơn Trời đến như một cơn chớp. Đúng là chỉ có nhờ ơn Trời (Hồng ân Thiên Chúa, the grace of God) thì tôi mới có thể biết làm thế nào để "đền tội cho xứng" mà thôi.
Tôi lại nhớ rằng, tôi cầu nguyện không phải để Chúa thay đổi người khác, nhưng là để thay đổi chính bản thân tôi. Tôi cũng cầu nguyện để xin ơn rỗi cho các linh hồn đã quá cố, bởi chính bản thân họ giờ đây không còn làm được việc ấy nữa.
Ngôi Hai giáng trần là vì để cứu chuộc tội tình của chúng tôi, tội tình vốn bắt nguồn nơi tổ tiên loài người từ ngàn xưa, đã thấm ngầm vào xương tủy như một cơn bệnh AIDS, và từ đấy, đã sanh đẻ ra muôn vàn cơn bệnh khác.
Khi xưa, tôi được rửa tội là để được tha tội di truyền từ tổ tiên, vì bởi chỉ có Ông Trời Con mới đủ thẩm quyền tha thứ tội này, mà Ngài cũng đã chẳng tha tội xuông, mà đã phải gánh lấy tội ấy trên vai mình, là việc Ngài đã phải làm để duy trì sự công chính trong Đức Chúa Cha. Nghịch lý lắm thay, khi sự cứu chuộc ấy, một bên là buộc phải là như vậy, đồng thời lại là sự chọn lựa tự do của Ngôi Lời, tự do trong sự vâng phục hoàn toàn đối với Đức Chúa Cha, và trong sự hết mực thương yêu kẻ tội lỗi như tôi, và tổ tiên tôi, là những tạo vật do chính tay Ngôi Lời đã tạo thành.
Tôi được rửa tội cũng để nhờ lời dạy và các bí tích của Chúa mà tôi sẽ lánh xa, và nếu không thể lánh xa thì vẫn có sức kháng cự lại dịp tội, nhờ sức mạnh của Ngôi Lời và của Đức Thánh Linh. Tội tổ tông đã được tha, nhưng tôi đã và đang thất bại trong sự kháng cự. Tôi thất bại chỉ vì tôi chối từ Chúa, bằng cách này hay cách khác. Concupiscence là bản tính, là khuynh hướng, là sự thôi thúc muốn hành động theo sở thích cá nhân. Có lẽ suốt cả kiếp người này, tôi vẫn sẽ còn thất bại, sẽ còn vấp ngã dài dài bởi sự thôi thúc trái ngược ấy. Thế cho nên tôi không chỉ "xin ơn lánh xa dịp tội", mà còn xin mỗi khi sa ngã vì tội, tôi sẽ còn đủ nghị lực và sự khiêm cung để trỗi dậy và tiếp tục đi, cho dù mỗi lần trỗi dậy là mỗi lần chấp nhận lãnh thêm một vết thương trên chặn đường sắp tới. Và với ý niệm này, tôi cảm giác rằng con đường tôi đang đi không phải là con đường sai (mặc dù đôi lúc tôi không khỏi ngờ vực), mà là con đường phải đi. Ở một mức độ nhỏ bé nào đó, có thể nó là "con đường thương khó" mà Chúa đã dành cho tôi.
Người ta thường nói "anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân". Mới hôm trước, đọc tin về sự sa ngã của Tiger Woods (34t), thì sáng nay lại nghe tin Adam Giambrone (32t) tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua giành ghế Thị Trưởng Toronto, âu cũng vì một chữ "sắc".
Hôm Thứ Năm tuần rồi, tôi mới bắt đầu nghe đọc sách The Republic (Nền Cộng Hòa) của triết gia Plato, cốt chỉ để tìm hiểu thêm về thể chế cộng hòa. Ngay hôm sau, tình cờ đọc được bài phân tích Tiger Woods and Plato của giáo sư chính trị học Carson Holloway (biết qua blog của Lm. Tim Moyle), tôi mới biết rằng The Republic cũng đi sâu vào vấn đề tâm linh.
Theo GS Holloway, Plato gọi linh hồn (soul) là "tâm thần" (psyche), và ông phân chia nó ra thành ba đặc tính: ham muốn (desire), xúc cảm (spiritedness), và lý trí (reason). Điều lý thú là, ông (Plato) so sánh linh hồn như là một thành thị, là nơi trú ngụ của ba thành phần nói trên. Hơn nữa, trong một linh hồn có trật tự, lý trí là thành phần được nắm quyền cai trị, và khi lý trí bị hai đặc tính kia chế ngự, thì linh hồn trở nên hư hỏng. Lý trí không cưỡng chế xúc cảm và sự ham muốn, mà cả hai thành phần này đều hiệp lực với lý trí, tạo nên sự hài hòa cho linh hồn. Chí ít, tôi nghĩ sự hài hòa ấy là tối ưu quan trọng, bởi nếu lý trí được tự do lộng hành, thì lý trí cũng dễ bị hư hỏng, và người ta sẽ lạm dụng lý trí để làm chứng cho sự ngụy biện. Dầu vậy, quan niệm lý trí luôn nắm quyền cai trị--hài hòa hay không hài hòa--tôi vẫn cho là khả nghi. Tôi nghĩ trong đây có sự biểu hiện không phải chỉ là một nền cộng hòa, mà còn là một nền dân chủ: đôi khi lý trí nắm quyền là điều tốt, và có khi khác, xúc cảm nắm quyền lại cũng là một điều tốt.
Hồi nhỏ (chắc độ khoảng 14 tuổi), khi tôi vẫn còn được gần với Chúa tôi hơn so với bây giờ, tôi có lần va chạm với dì tôi. Bà ấy trách oan tôi, nhưng khi tôi cố biện minh thì bà lại cho rằng tôi dối trá. Phụ thân tôi buồn lòng bèn khóa cửa phòng lại mà tủi thân. Thuở ấy tôi thần tượng phụ thân tôi gần bằng Trời, cho nên khi thấy mình đã khiến cha buồn lòng đến vậy, tự nhiên tôi đã quên hết mọi sự oan ức trên đầu mình. Tôi sợ ông làm bậy, nên đã quýnh cống khóc thê thảm, nài xin ông mở cửa. Ông không mở cửa, mà bảo tôi hãy đi học bài đi. Thay vì đi học bài, tôi chạy vào phòng quì xuống cầu nguyện. Vài phút sau, phụ thân tôi cho gọi tôi vào. Tôi quì bên giường cha tôi, miệng mếu máo vừa khóc vừa nói: "Con xin lỗi Ba. Con không muốn làm Ba buồn. Nhưng giờ Ba đã buồn, nên con xin lỗi Ba". Tại đấy, lý trí đã đầu hàng vô điều kiện, và đã nhường ngôi lại cho sự điều khiển hoàn toàn của cảm xúc.
Có thể là hiện giờ, cái mà đang ngự trị trong tâm hồn tôi là một thứ lý trí hư hỏng. Nghĩ đến phụ thân tôi nay tuổi đã già, sức đã yếu, tâm trí có lẽ không còn minh mẫn như khi xưa, tôi không khỏi xót lòng. Nhưng tôi không còn có thể ép mình đi xin lỗi chỉ để làm vừa lòng cha như năm xưa nữa. Nếu là tôi sai, thì quả thật tôi chưa cảm nhận được. Còn nếu ông sai, mà tôi cứ lại nhận lỗi về mình, thì chẳng khác gì tôi làm hại thêm cho phần hồn của ông. Đôi khi ông có cử chỉ bao dung khiến tôi thấy thương ông vô cùng, nhưng chỉ sau một thời gian thì lại đem chuyện cũ bới ra, khiến tôi thắc mắc không biết ông có tiếp nhận một câu nào mà tôi đã nói hay không.
Mặt khác, tôi cũng ý thức được rằng, những sự ngược đãi mà tôi từng nhận được là để tinh luyện cho bản thân tôi. Hay, nói theo cách của giáo sư tin học Randy Pausch: Mọi sự cản trở mà đời đặt ra cho ta là để thử xem ta có thật sự ham muốn niềm hạnh phúc ấy hay không; nó hiện hữu để cản trở những ai khác không ham muốn mãnh liệt bằng mình. Ông Trời sợ tôi trở nên nhàm chán với cuộc đời, nên đã sắp đặt đoạn đường sắp tới đây thêm vài sự cản trở.
Lỗi do người đi bộ hay là người lái xe? Trả lời: cả hai.
Bản thân tôi cần phải tự thú: hơn đôi lần cua phải mà mắt cứ ngó trái, dè chừng xe mà sơ ý với người qua đường, suýt tông mấy em, nên đã bị chữi ỏm tỏi. Đôi lần khác, chính tôi chứng kiến mấy ẻm (người da đen--không phải tôi kỳ thị mà là dữ kiện thật), băng ngang giữa đường ngay trước mặt xe tôi. Điều đáng tức mình là mấy em này ung dung bình thản mà đi như thể tôi và chiếc xe tôi không hề tồn tại trên thế gian. Tôi suy diễn đến hai cách biện luận cho thái độ này:
Nếu tôi không chú ý tới anh thì anh không tồn tại, và tôi sẽ không bị tông.
Tôi không cần chú ý tới anh mà anh cần phải chú ý tới tôi. Anh thử tông tôi đi, tôi sẽ kiện cho cả dòng họ anh bại sản.
Về #1: có lẽ tôi không tồn tại thật. Về #2: quá liều mạng; chết rồi thì nhờ ai kiện cho mình?
Sáng nay, cảnh sát thành phố vừa mở chiến dịch cảnh cáo và phạt vạ những ai vi phạm luật giao thông, cả người đi xe (tối đa $280), lẫn người đi bộ (tối đa $110).
Thắc mắc: phạt tài xế thì dùng thẻ bằng lái làm căn cước. Vậy phạt người đi bộ thì dùng gì?
Chút cảm tưởng, từ một người đứng ngoài lề cộng đồng, nhân dịp xem đoạn video phóng sự trên của TV Thời Báo.
Tôi thấy con em người Việt chúng ta được sinh ra và lớn lên tại Canada (Toronto) rất tha thiết với truyền thống Việt Nam, nhưng lại không biết nói tiếng Việt cho dù hiện tại thành phố Toronto có khá nhiều trường Việt ngữ so với khoảng thời gian mà tôi mới đến đây hơn 20 năm về trước. Tôi thấy hiện tượng trẻ em không biết nói tiếng Việt đây không phải trường hợp dị biệt nhưng là chuyện thường gặp--mấy đứa cháu tôi (đứa lớn nay đã 8 tuổi) cũng không biết nói tiếng Việt, ngoài mấy chữ "Ông Nội", "Bà Nội", "Bác Hai". Điều đó cho thấy, việc duy trì ngôn ngữ của cha ông cho thế hệ sau là một việc làm hết sức khó khăn cho người Việt tha hương.
Đọc bài viết "Thấy người sang…" trên blog Hiệu Minh hôm nọ, nhận thấy rằng đây không phải là khó khăn của cộng đồng người Việt tại Toronto (Canada) thôi, mà còn ở Hoa Kỳ (chí ít, ở New York nơi tác giả đang cư ngụ), thậm chí đối với những người Việt sang đây sau này (tức là không thuộc vào thế hệ tị nạn Cộng Sản). Điều này cho thấy cộng đồng người Việt nói chung, trong nhu cầu đời sống, không coi trọng việc truyền thụ ngôn ngữ cha ông cho lắm, nhưng rồi lại quay ra ta thán rằng tại sao con cháu ta lơ là với cội nguồn.
Thay vì tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ học thường, thì, tôi nghĩ, phối hợp chúng vào giáo trình ngoại ngữ của bộ giáo dục thành phố có lẽ sẽ có hiệu quả hơn. Hai mươi năm về trước, khi tôi học Trung Học, Bộ Giáo Dục Toronto (Toronto Board of Education) đã có giáo trình học Hoa ngữ (Chinese language) có tính điểm (tức là, được tính như một tín chỉ ngoại ngữ trong điều kiện tốt nghiệp trung học). Không thấy có giáo trình tương tự nào cho Việt ngữ. Điều này dễ hiểu vì cộng đồng người Việt lúc bấy giờ hãy còn non. Hiện nay, tìm nhanh trên mạng của TDSB cho thấy có 27 trường dạy Việt ngữ ở cấp bậc tiểu học. Bộ Giáo Dục Công Giáo có 3 trường: James Culnan, Jane Frances, và Barbara. Bậc trung học tại các trường công lập (public secondary schools) thì nghe nói mấy năm trước có lớp tín chỉ Việt ngữ vào buổi tối, nhưng năm nay thì không có, có lẽ do thiếu giảng viên. Giải pháp? Nhập chất xám sang từ Việt Nam (nếu cộng đồng VN ở đây không quá tự hào về mình).
Gợi ý: Quí vị nào bên VN có nhả ý sang Canada hành nghề giáo viên Việt ngữ thì có lẽ bây giờ hãy còn là thời cơ tốt.
06:47
Cuối cùng thì "lão đông tà" cũng lần mò được tới Toronto. Năm nay chắc lão "ngủ vùi trong chiến thắng" hay sao mà chừng này mới đến. Thiên hạ đã trông chờ lão đã gần cả tháng nay.
Bắt đầu hồi khoảng nửa đêm--lúc tôi bắt đầu đi ngủ--với đợt mưa đông đá kèm với gió gấc mạnh (gusting wind). Không biết mưa chuyển thành tuyết hồi lúc nào. Sáng dậy thì thấy tuyết đọng trên mái nhà khoảng chừng 1 phân dày thôi. Không đáng để gọi là "bão tuyết". Vậy mà bật đài ra-di-ô, nghe bàn về trận tuyết này với mức độ gì ghê gớm lắm---phi trường huỷ bỏ các chuyến bay, nhà trường huỷ bỏ các chuyến xe buýt đưa đón học sinh. Hmm...thận trọng quá độ, hay là chứng "quên theo mùa" (seasonal amnesia)? Lát nữa ra đường sẽ có dịp "trải nghiệm" mức độ trầm trọng.
07:42
Trời bây giờ hừng sáng, kịp cho tôi nhận rõ hơn, qua khung cửa sổ của phòng làm việc, rằng cơn tuyết vẫn còn đang nhẹ rơi.
Tôi hơi ...ơn ớn...khi nghĩ đến mùa tuyết năm nay, bởi hai chiếc xe (của mẹ tôi và tôi) đều đậu ngoài trời, mùa này sẽ phải dọn tuyết đến hụt hơi.
2009-12-10 12:11
"Thành quả" của đợt hôm qua + vừa qua đêm, và hiện đang rơi nhẹ:
2009-12-11 08:05
Chiều hôm qua khi ra về, bước ra sân thượng nơi bãi đậu xe, lần đầu tiên trong mùa, cảm giác được "cái lạnh buốt tay" của thời tiết -8°C (thêm độ gió là -13°C), thầm nghĩ: đúng là Lão Đông Tà đã đến rồi, mặc dù chính thức ngày 21 tháng 12 mới là ngày trình làng của lão.
Sau đợt ưu tiên cho quí cụ, quí bà mang thai, và quí con nít, phát động từ mấy tuần trước, hôm nay thì đã đến lược những người "ít rủi ro" như tôi.
Rút kinh nghiệm từ thông tin của đợt trước--xếp hàng chờ đến 4-5 tiếng đồng hồ--nên tôi đợi đến gần giờ đóng cửa (21h00) mới "trình diện" tại địa điểm trên đường Cowan (trung tâm cộng đồng Masaryk-Cowan, gần đường Queen), vào làm thủ tục, rồi chích ngay, khỏi phải đợi.
Trước khi ra về, họ ban cho một tấm giấy chứng nhận: "Ngày 19 tháng 11 năm 2009, Đây chứng nhận, tên-họ đã tiêm chủng thuốc ngừa H1N1, do công ty GlaxoSmithKline chế biến". Kèm theo đó là một mẫu hướng dẫn và số điện thoại tham vấn nếu có tình trạng phản ứng gì.
Chưa thấy có phản ứng. Để chờ ngủ qua đêm, sáng mai sẽ xem sao.
Hội chợ năm nay có vẻ tưng bừng hơn tôi từng nhớ. Mấy năm trước dường như toàn là những trò chơi con nít. Mấy năm gần đây hình như ban tổ chức đã/đang "nới rộng thị trường" tới giới người lớn. Cũng có thể không phải là do họ, mà do cái nhìn của tôi đã có chút thay đổi.
Thế là xong một mùa hè. Mùa hè năm nay giá xăng không tăng vọt như năm ngoái, nên tạo cơ hội cho tôi trở lại chứng lười biếng, không đạp xe đạp đi làm. Đành chịu thôi. Que sera sera. Cứ để cho tự nhiên. Không miễn cưỡng.
Chiều hôm Thứ Năm, có ít nhất 2 cơn lốc (tornado) đã đi qua hai thành phố phụ cận Toronto. Cơn thứ nhất chấm xuống vùng Durham. Lúc cơn thứ hai chấm xuống Vaughan, nơi tam đệ tôi cư ngụ, tôi đang lái xe trên đường Dundas, gần Keele, cách khoảng 14km từ trung điểm của cơn lốc. Tôi cảm giác như cơn bão đang tới bên xe tôi: mưa gió ào ào, văng vẵng tiếng sấm sét. May là khu vực nhà của tam đệ chỉ bị cúp điện mấy tiếng đồng hồ thôi, không thiệt hại gì. Nghe nói có hơn 200 gia đình bị mất nhà.
Ở đây hai mươi mấy năm, lần đầu tiên tôi nghe tin cơn bão lốc đến vùng Toronto gây thiệt hại to tát đến thế.
Gần đây nghe nói về bão táp hơi bị nhiều. Mới tuần trước nghe đài CBC Radio 1 quảng cáo phim Act of God (Thiên Tai tôi tạm dịch là Thiên Lôi) được trình chiếu trong lễ hội phim ảnh TIFF. Chắc phải tìm xem cho biết.
Tôi đang đi trên đường Howard Park, chuẩn bị cua phải để nhập vào Dundas West. Trước mặt tôi là đèn đỏ. Tôi thấy chiếc xe phía trước ngừng lại, rồi từ từ tiến vào ngã tư. Đến lượt tôi. Tôi tiến tới lằn trắng của người đi bộ, rồi tôi ngừng, chờ đèn đỏ chuyển sang đèn xanh rồi mới đi. Lần nào đi tới ngã tư này tôi cũng làm vậy. Có lần, anh chàng phía sau tôi bực tức bóp còi, rồi rẽ sang "lane" trái để qua mặt tôi, khi chạy ngang không quên loé cho tôi một cái nhìn toé lửa. Lần khác, một anh khác vừa qua mặt tôi, vừa liếc nhìn, mỉm cười như thể nói: mầy khùng hả mầy?
Ừ, có thể là tôi khùng. Có nhiều chuyện, tôi nhất định không hùa theo đám đông.
Chiều đến, rảo ra Yonge-Dundas Square để xem lễ hội của người Thổ Nhĩ Kỳ. Chán. Đảo sang viếng nhà thờ lớn Thánh Michael do TGM Thomas Collins cai quản:
Bên trong có tấm tranh miêu tả cảnh Thánh Mi-caê (Michael), với chức vụ tổng lãnh Thiên Binh, chiến thắng quỷ Sa-tăng, khi thần Lưu Ly này náo loạn Thiên Cung:
Wasaga Beach là một khu du lịch nổi tiếng nằm khoảng 100km về phía bắc Toronto. Nó nằm ở chót phía nam của vịnh Georgia, thuộc hồ Huron (một trong ngũ đại hồ của Bắc Mỹ), chia làm 6 khu (Area 1 tới Area 6). Khu số 1 là bãi chính, có các quầy bán thức ăn và vật lưu niệm bên lề đường. Còn khu 2 tới 6 chỉ là những bãi picnic và tắm biển. Mỗi khu có bãi đậu xe chính, với giá $18/ngày. Nếu khách quan lanh trí một tí, ở ven các con đường vào các khu, có các doanh nhân địa phương mở bãi đậu xe của nhà họ để khoản đãi du khách với giá là $5/ngày. Chỗ tôi ghé vào, là bãi đậu của nhà trọ Beach 2 Motel, số 281 đường Mosley. Băng ngang qua đường là đến bãi tắm. Đi bộ về phía tay phải một tí là đến Khu Vực Số 1.
Tai nạn này xãy ra hôm qua ngay trước cửa công ty tôi:
Toronto: Một người đàn ông khoảng 50 tuổi, [đến từ Simcoe,] đã chết vì một tai nạn bất ngờ xảy ra trên xa lộ QEW trong buổi chiều hôm thứ ba 7 tháng 7.
Nạn nhân, lái chiếc xe Oldsmobile sedan, đã chết ngay lập tức vì một mảnh sắt hay mảnh tôn, bằng kích thước của tấm bảng số, đã xuyên thủng tấm kính xe, và đâm vào người nạn nhân.
Chiếc xe không người điều khiển, đã đâm vào một chiếc cột bên đường.
Trên đường rời khỏi đám đông--do nhiều người đứng xem và do mấy nhóm truyền hình từ CBC, CityNews, CTV đang dựng lều chuẩn bị thu hình--băng qua Sherway Gardens để đi ăn trưa, tôi thầm đọc mấy câu kinh cho nạn nhân mà lúc đầu tôi tưởng là một người đàn bà, cảm giác rờn rợn, tưởng tượng như có tử thần đang quanh quẩn đâu đây. Đúng là định mệnh.
Recent Comments