Hôm nay nghỉ làm một ngày để đi khám bệnh. Bà bác sĩ gia đình chẩn bệnh xong, tuyên bố: "chỉ là dị ứng theo mùa thôi, muốn uống thuốc advil cũng được, không uống thì từ từ cũng hết thôi". Lời bà làm tôi nhớ lời nói để đời tương tự mà bà đã thốt ra với tôi khoảng mười năm về trước (~1997) khi phụ thân tôi chở tôi đi khám bệnh bởi chứng cảm lạnh mùa đông: "Mình có tiền thì ngã bệnh tí xíu thì mình chạy đi mua thuốc uống, còn người ta nghèo không có tiền thì không uống thuốc rồi từ từ cũng hết bệnh thôi". Đại ý là vậy, tôi không nhớ lời chính xác.
Lời bà nói rất có lý, bởi ở đây đi khám bệnh miễn phí (chính phủ bao), còn mua thuốc thì có bảo hiểm y tế của công ty bao, cho nên dại gì lại không mua. Vì vậy đôi khi người ta có phần lạm dụng hệ thống đôi chút, chảy máu mũi tí xíu là đi khám bác sĩ. Riêng tôi, vì lời nói đơn sơ ấy mà từ đó tôi không đi khám bác sĩ nữa...mãi cho tới 2005.
Hôm nay, một lần nữa tôi nhận thấy sự vô ích của việc đi khám bác sĩ gia đình. Đếch thèm uống át-viêu át-viếc gì cả, về nhà rót đầy hai ly rượu nho ra nốc cạn--đây sẽ là thuốc trị cảm của tôi. Ngày mai nếu trong người có phấn chấn trở lại thì xách xe đạp đạp đi làm tiếp, không phấn chấn thì lái xe hơi đi làm, còn nếu liệt giường luôn thì nằm nhà nghỉ tiếp.
Tối nay ra phi trường rước phụ thân tôi từ Seattle về--ông đi thăm một người thầy, đã dạy ông hồi còn học ở Cao Thắng.
Đưa ông về nhà xong tôi quay trở ra đường lộ, trực chỉ hướng tây, hướng về xa lộ 400, chợt thấy trước mặt: nửa vầng trăng thật lớn, thật gần, đang treo lơ lửng ở hướng tây, sắp sửa khuất bóng nơi cuối chân trời. Cảm động bởi hiện tượng hy hữu, định chụp tấm hình lưu niệm, nhưng kẹt đang lái xe, bèn dự định sẽ ghé cái đồi cao gần nhà mà chụp.
Về ngang ngọn đồi gần nhà, tấp xe lại, chạy lên tuốt đỉnh cao nhất nhìn về hướng tây bắc. Không thấy gì hết. Mất cơ hội. Trăng đã tàn lặn.
Vừa từ nhà của mẫu thân về. Sáng nay bà đang làm trong tiệm thì cảm thấy chóng mặt, say xẩm mặt mày, bèn gọi điện về nhà cho tam đệ tôi, rồi gọi cho tôi.
Vợ chồng tam đệ chở bà vào phòng cấp cứu. Một giờ sau tôi có mặt ở bệnh viện, vừa đúng lúc bác sĩ phòng trực đến chẩn bệnh cho bà. Ông bác sĩ làm một loạt trắc nghiệm cho bà, xong rồi thử máu, vô nước biển, rồi bảo chờ. Hai giờ sau, ông trở lại, giải thích cho tôi biết bà bị chứng BPPV, bảo cho chụp CT cho bộ não. Rồi lại đi. Vài giờ sau, khoảng 19h30, ông trở lại, bảo não không có vấn đề, làm trắc nghiệm cho bà lần nữa. Bà bảo cảm thấy đỡ hơn, không còn thấy chóng mặt nữa, bèn cho xuất viện.
Hội chứng Chóng Mặt Kịch Phát Hiền Tính Do Tư Thế [Benign Paroxysmal Positional Vertigo (BPPV)] là một loại chứng chóng mặt quay cuồng liên quan tới tai. Bài viết trên Wikipedia có đường dẫn đến mạng của DizzyFIX, có bài giải thích dễ hiểu:
Tại mê cung của vùng tai trong (inner ear) của con người có nhiều hạt tinh thể canxi gọi là otoconia (cát tai) với tác dụng phân định thăng bằng. Với bệnh nhân của chứng BPPV, các viên cát tai này bị trượt thoát ra khỏi vị trí bình thường của chúng trong các túi chứa nhỏ, và bồng bềnh bên trong vùng tai trong. Những hạt cát tai này tạo cảm giác quay cuồng trong bệnh nhân khi chúng bị nhiễu loạn bởi các động tác xoay đầu.
BBPV có những đặc tính sau đây:
chóng mặt quay cuồng cực độ (cảm giác cả căn phòng bị quay cuồng)
cảm giác buồn nôn (nhưng ít khi thật sự nôn)
có thể được kích thích do một vài tư thế nào đó
chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn
cử động đặt thù của mắt gọi là nystagmus
Bệnh nhân thường thấy có triệu chứng khi nhìn lên, lăn mình khi nằm trên giường, cuối xuống phía dưới một đồ vật nào đó.
Tình trạng này xãy ra ở khoảng 10% của những người trên 60 tuổi. Bệnh BPPV có thể được chẩn đoán thấp (underdiagnosed) và bác sĩ thường hay điều trị bằng y dược thay vì phương pháp tái ổn định vị trí cát tai (particle repositioning maneuver).
Mạng DizzyFIX cho biết ở Shopper's Drug Mart có bán cái máy trị BPPV này.
Để Thứ Hai ghé tiệm gần công ty xem họ có không, và giá cả bao nhiêu. Nhưng chắc cũng phải cần hỏi ý kiến bác sĩ gia đình trước.
Điều trị khởi đầu này làm xê dịch các vật thể bồng bềnh ra khỏi ống bán khuyên sâu và do đó làm thuyên giảm 44% đến 95% các bệnh nhân mắc phải chứng chóng mặt kich phát hiền tính do tư thế. Trước hết, trắc nghiệm Dike-Hallpike được thực hiện về phía tai bị bệnh. Trong khi còn ở tư thế nằm ngửa va sau khi chóng mặt và rung giật nhãn cầu được gây nên bởi thủ thuật dừng lại, đầu bệnh nhân được đưa ngay về phía đối diện với tai bên đối diện bây giờ hướng xuống dưới. Đầu và thân của bệnh nhân được xoay thêm nữa theo cùng chiều hướng cho đến khi đầu của bệnh nhân có mặt hướng xuống dưới. Bệnh nhân nên được giữ trong tư thế này trong 10 đến 15 giây, sau đó được đưa lên tư thế ngồi với đầu vẫn còn giữ hướng về phía đối diện với tai bị bệnh. Trong khi ngồi, đầu được nghiêng sao cho cằm hướng xuống dưới. Thủ thuật Epley có thể cần được lập lại cho đến khi bệnh nhân không còn triệu chứng. Nếu thành công, bệnh nhân sẽ được chỉ thị tránh nằm trong vòng 24 đến 48 giờ sau đó.
Suốt hai tuần nay tôi lo giúp mẫu thân về thủ tục sang tiệm "leo" (nail). Đến hôm nay thì mọi việc đã hoàn tất. Nền móng đã đặt xong. Từ đây nội vụ để bà toan tính, tôi không dính líu nữa.
Nghe đâu đầu tuần nay lòng bà bất an, nên đã đi coi bói. Bà thầy bảo rằng tôi "(1) có mạng thiên tử, nên (2) làm việc gì cũng thành công".
(1) "chân mạng thiên tử" thì không có gì lạ. "Thiên tử" chẳng qua là "con Trời". Mà loài người là do Tạo Hóa sinh ra. Ta gọi đấng sinh thành ta là gì, nếu không gọi bằng "cha"? Cho nên, do lẽ kế thừa tổ tông, con người ai cũng là "thiên tử", chứ không đặc biệt chỉ dành cho thiểu số nào đó, hoặc là bậc vua chúa như quan niệm của thời xưa.
(2) "làm việc gì cũng thành công" thì thật là không đúng. Thật sự, thằng ngu như tôi học hỏi và thấm thía nhiều hơn ở những sự thất bại, hơn là sự thành công, và sự thành công, nếu may mắn gặt được, cũng chỉ là kết tinh của kinh nghiệm học hỏi từ nhiều lần thất bại.
Hôm qua đi tiệc sinh nhật của cháu J, con trưởng của nhị đệ, luôn tiện tạt vô Church of Our Lady Immaculate dự nghi thức Đi Đàng Thánh Giá (bằng Anh ngữ) vào 19h00. Theo kinh nghiệm đi lễ ở Toronto, tôi tưởng nghi thức tối nay sẽ có nhiều người tham dự, nhất là cho một nhà thờ lớn thế này. Nhưng sự thật, thánh đường thưa thớt, đại khái số người chỉ choán hơn phân nữa số chỗ ngồi. Dân số của Guelph chỉ trên một trăm ngàn người, nhưng nghe đâu có tới 74% là tín đồ của Chúa Cứu Thế.
Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay trời lạnh, nhưng không mưa.
Hôm qua mẫu thân tôi đi Québec vì có công việc mới. Sáng tôi đi làm sớm nên không gặp mặt bà được, chỉ kịp để lại mấy trăm cho bà dằn túi. Tối về gọi hỏi thăm, biết bà đang trên xe buýt, đang trên đường đi.
Một phần tôi khâm phục mẹ tôi, từng tuổi ấy mà vẫn có can đảm thử tay nghề ở những vùng xa xôi như thế. Phần khác tôi lo ngại về mức độ cần thiết của những sự thử thách ấy. Từng tuổi này, nếu bà muốn ngồi không trông cháu, an hưởng tuổi già, thì hoàn toàn trong vòng khả năng chứ không phải là không--dù bà có công nhận hay không. Nhưng hình như bà đang mong mỏi cái gì đó xa hơn, to tát hơn. Nếu nhìn từ khía cạnh khác thì đấy cũng là một ưu điểm--có nhiều người (Rebecca MacDonald, Christine McGee, Janice Golding , v.v...) đã thành công lớn lao trong sự nghiệp chỉ bởi vì trong ngôn ngữ của họ không hề có hai chữ "an phận". Con sẽ nhớ mẫu thân trong lời nguyện, cầu cho Mẹ nhiều thành công. +++
Gần đây, tôi tự thấy mình tuyệt đối nghiêm túc khi đối thoại với mẫu thân, không bộc lộ cảm tình như những năm đầu tiên nữa. Hãy để cho tình cảm được thể hiện qua hành động, kẻo lại bị gọi là "không thật" nữa. Nếu sự thể hiện ấy không được công nhận, hoặc thậm chí bị hiểu lầm, thì cũng chẳng hề chi.
Trên giấy tờ của phụ thân tôi ghi '47, nhưng ông lại là Bính Tuất, có nghĩa là '46 chứ không phải '47 (trừ phi ngày tháng trong giấy tờ cũng sai nốt).
Như vậy là mẩu thân tôi đã nói đúng, và vừa rồi đích thực là "lục tuần + 1" chứ không phải lục tuần.
Hồi 2005 khi tôi gửi thư mừng sinh nhật, phụ thân tôi hồi âm:
Bà Nội nói Ba sanh năm Bính Tuất (Tuổi con chó).
Tết tới là năm Bính Tuất...Vậy là chu kỳ 60 năm của Bính Tuất lại đến...Thời gian xem vậy mà đúng như người ta nói "Thắm thoát như thoi đưa"...Con cái trưởng thành...Cha mẹ tuổi già lại đến...Già thật rồi...nên dạo này làm việc thở hơi mệt (như Ông Nội ngày xưa khi làm việc gì đó trong nhà) dĩ nhiên là "ép tim" nên ngực cảm thấy hơi "nặng ran" tí thôi...cũng không nhiều lắm. Mỗi ngày cứ đều 1 viên thuốc cao áp huyết và 1 viện ngăn hấp thụ mở.
Phụ thân, đứa con lạc loài này thương phụ thân lắm lắm! Nhưng hình như vẫn còn có khắc tinh dèm pha, khiến giữa cha con còn có khoảng cách làm sao ấy.
Lại một năm trôi qua. 2008 đã tới. Năm nay hơi lu bu, năm mới đã đến mà cứ ngỡ như chưa. Nói thế không phải tôi không vui; ngược lại, tôi vui như chưa hề được vui.
Mấy hôm trước gđ chú ba nó xuống chơi, xum hợp được mấy ngày Nô-en rồi mới đi.
Duy có điểm buồn: ông bà cụ vẫn giận hờn nhau...kéo con cháu rơi vào tình cảnh khó xử. Không này thì kia, cuộc đời ngắn ngủi, có khi nào là hoàn mỹ.
Cuộc đời nhiều bận rộn. Tâm nguyện của tôi cho 2008: xin cho tôi đừng quá bận rộn đ/v việc cầu đạo, và nếu có cao ngạo, đừng cao ngạo đến nỗi không cần đến Ông Trời.
Đã nghỉ lễ 2 tuần nay, ngày mai vào công ty chắc sẽ hơi bị...oải.
Tuần trước mừng sinh nhật lục tuần cho Ông. Lần đầu tiên sau thời gian khá lâu, mới thấy Ông vui cười như hôm ấy.
Hôm qua, chở cô em đi khắp làng tìm mua quà sinh nhật cho nó. Vọt ra Yorkdale không có, bèn tọt xuống tận Eaton's Centre trong trời mưa ướt át. May là tìm được đôi giày mà cô nàng ưa thích--không uổng đường xa.
Đưa cô bé về nhà xong là tọt sang rước bà cụ xuống ăn bữa cơm gia đình. Bà làm như không muốn nói chuyện, xem chừng còn giận hờn Ông lắm. Tôi thấy như Bà cứ mãi lo trách hờn Ông, nên không thấy (hay không muốn thấy) Ông lúc nào cũng lo lắng cho Bà nhiều, nếu không muốn nói là "quá nhiều". Có lẽ ngày nào đó khi sẽ nhận ra, thì đã muộn màng.
Tối Thứ Sáu:
Tụi P & T chợt gọi, giọng có vẻ khẩn trương, bảo bà cụ đi đâu suốt ngày không thấy về, hỏi có xuống chỗ tôi không? Tôi gọi P & M hỏi có lên đó không? M trả lời 'không'. Tôi trấn an P, bảo đừng lo, đây không phải là lần đầu cụ đi không nói lời nào, chắc là buồn bực gì đó nên đi chơi với bạn thôi. Chứ đi tìm thì biết đâu mà tìm?
Tuy bảo nó thế nhưng mình nằm trằn trọc tới khuya mới ngủ được.
Thứ Bảy:
Hôm nay phải đi học lớp ABC. Trước khi đi tôi gọi T thì biết khuya đêm qua bà cụ đã về rồi. Thở phào nhẹ nhỏm.
Vừa tan lớp là mở ĐT gọi cho bà cụ hỏi thăm. Bà bảo hôm qua đi bộ dạo phố rồi, leo lên tắc-xi tuốt luôn xuống tới bờ hồ.
Trời đất. Hết ý kiến.
Tôi phi ngựa sắt thẳng luôn lên nhà cụ. Tụi P & T đã đi đâu mất. Tôi nói cụ thay đồ đi ra ngoài ăn trưa. Trên xe, cụ chỉ đường cho tôi đến quầy bán thức ăn tận đường Dixie và East Gate ở Etobicoke.
Ăn xong, cụ muốn đi Chợ T&T ở Mississauga nên chở cụ đi luôn. Mua được 2 con Cua Vancouver.
Về tới nhà thì trời đã tối. Đã dự định hôm nay đi thử khói xe. Thôi thì để tuần tới.
Tôi bảo cụ: "Mẹ ngủ sớm nhe. Sáng mai con tới rang cua ăn".
Chúa Nhật:
Sáng dậy bận lau dọn nhà cửa, nên tới trưa mới sang nhà cụ được.
Tôi gọi điện trước khi đi. Qua máy điện thoại, giọng bà cụ có vẻ giận dỗi.
Tôi tới nơi. Tụi P&T cũng đà đi đâu mất.
Rang cua ăn xong tôi chở cụ ra High Park ngắm cảnh mùa thu.
Xong, kéo về nhà tôi nấu bún riêu ăn, bà ngồi chơi tới tối quên cả thời gian, 23h00 tới lúc nào không hay.
Nói chung, một cuối tuần đầy ý nghĩa.
Đã dự định chiều nay 16h00 đi Lễ Chúa Nhật nhưng rồi lại thôi. Gia đình quan trọng hơn. Chúa vẫn ở bên tôi suốt đời tôi--cho dù thân tôi có vướng nhiều tội lỗi--nhưng bà cụ thì chắc không thể ở bên tôi suốt đời tôi được.
Có lẽ trong lòng cụ vẫn coi tôi là "không thật lòng" bằng Chú Ba nó. Nhưng cũng không sao.
Đêm qua nằm mộng về VN gặp Tứ Thúc tôi. Ông đang chuẩn bị cưới vợ (mà lạ: tứ thúc đã có vợ và có con, bé HA, lâu rồi cơ mà). Can cớ nào đó, tôi về dự không kịp. Nhưng sau rồi thì cũng gặp được ông.
Tôi hỏi: Thúc có nhận $xxx con đã nhờ Ngũ Cô chuyển dùm chưa? Có đủ chi không?
- Ừ, rồi, đủ.
- Vậy giờ còn để xài không?
- Ừ, còn.
- Thôi để con đưa thêm cho thúc $(xxx/2.5) để phòng hờ nha. (Tôi gượng gạ, thật tình trong túi tôi cũng chẵng có bao nhiêu)
- Ừ, vậy cũng được. (Tôi biết chú tôi không nhận lời nếu không thật sự cần).
Lạ thay! Đã lâu lắm rồi không mơ về Tứ Thúc. Chắc do hơn cả tháng nay hẹn lần hẹn lựa rằng sẽ viết thư cho ông nhưng rồi vẫn chưa, nên "lương tâm" cắn rứt chăng.
Trong mấy người em của phụ thân tôi, Tứ Thúc xem chừng là người lận đận nhất. Hồi nhỏ sống dưới quê ở nhà Nội--khi tuổi còn non dại, hay làm nhiều chuyện dễ.... ăn đập--Tứ Thúc là người tôi sợ nhất. Tánh ông trầm trầm, nhưng khi ông giận lên thì Bà cứu cũng không nỗi.
Tôi thương Tứ Thúc tôi lắm. Không những Tứ Thúc thôi, mà còn có Thất Thúc, Cữu Thúc, và Ngũ Cô. Xin cám ơn sự răn dạy của các vị.
Mẹ tôi. Từ nhỏ tôi không được sống gần mẹ tôi. Bà đi buôn bán nơi phương xa trong khi Ba tôi đi "học tập cải tạo". Tôi sống với Bà Nội tôi. Bà tôi lo cho tôi ăn học, cưng tôi lắm, nên cũng đã bù được phần nào cái lẻ loi phải xa cha lẫn mẹ.
Dòng đời éo le, khi Ba tôi về thì niềm mơ ước, cảnh gia đình đoàn tụ như tôi đã từng đọc trong sách lớp 3--tôi vụt chạy ra đón Ba, nhảy tót ôm vai mừng Ba đã về, trong lúc Mẹ bồng em ra trước sân nhà chờ đợi--đã không được thành hiện thực.
Vì tạo dựng tương lai cho tôi, Ba dẫn tôi mạo hiểm ra nước ngoài. Năm đầu Ba "cày kéo" thật vất vả lo cho tôi ăn học. Tôi cố tiện tặn, chú tâm vào việc học, không chơi bời, để Ba đỡ gánh nặng. Nhớ có lần Ba dẫn tôi đi xin tiền trợ cấp vé xe buýt cho tôi đi học, bị nhân viên từ chối vì không hội đủ điều kiện, nhìn nỗi thất vọng tràn trề trên mặt tôi chắc Ba đã không khỏi xót xa. Ba tôi an ủi: "Thôi con đừng lo. Để Ba cho con thêm tiền mỗi tuần để đi xe buýt." Mấy tháng sau, Ba tôi tìm mướn nhà gần trường tôi. Tôi chỉ cần đi bộ 5' là đến lớp.
Ba tôi đi bước thứ hai.
Chung chung, Dì tôi chăm sóc cho tôi khá tốt, nhưng cảnh mẹ ghẻ con chồng làm sao không khỏi chỗ bất hòa đồng. Ba tôi thương tôi lắm, nhưng trong những lúc này, tôi ước ao nếu có Mẹ tôi bên cạnh thì hay biết bao. Không biết Mẹ có linh cảm được rằng, mình đang cảm thấy côi cút lắm hay không?
Mẹ tôi sang.
Lúc đầu tôi chẳng muốn nhìn lại bà, vì tôi hận bà đã bỏ bê tôi. Nhưng rồi thì em tôi (nó đã sống với Mẹ từ nhỏ), rồi cả Ba tôi can thiệp, khuyên nhủ, nên kết cuộc hai mẹ con tôi ôm nhau khóc sướt mướt.
Mẹ tôi ở với em tôi. Khi Mẹ giận vợ chồng tụi nó, bà bệnh nằm gường ai khuyên ăn cũng không chịu ăn. Tôi lên thăm, ghé Swiss Chalet mua hộp súp nóng lên thổi đút cho Mẹ thì Mẹ ăn liền. Khi khác nghe người báo tin Mẹ trở bệnh phải đưa đi nhập viện, tôi đang làm việc, vội bỏ hết tất cả, xách xe vọt ngay vào bệnh viện xem thực hư. Đêm hôm đó tôi ngồi ghế bên cạnh giường bệnh Mẹ để trông nôm. Sáng hôm sau Ba tôi ghé thăm, "thay ca", tôi, hai mắt trắng dờ, đạp ga xe dông vào công ty làm cho xong công việc vỡ lỡ. Chiều hôm đó Mẹ tôi xuất viện bình an vô sự.
Tưởng đã hàn gắn lại được mối quan hệ thiêng liêng. Đùng một cái, vì chút chuyện vật chất không đáng gì mà đã...
Kẻ mồ côi xưa kia nay lại thêm danh hiệu kẻ lạc loài.
Mẹ ơi, có lẽ Mẹ nói rất đúng--Mẹ là Mẹ của con mà, dĩ nhiên phải nhận xét đúng đắn về con thôi. Những việc con đã làm đấy đều toàn là giả dối, thiếu sự thành thật. Đã vài lần ý nghĩ ấy có thoáng qua trong tâm trí con: chắc bản tính của con là giả dối. Con thật hư quá, đã vô phương cứu chữa rồi.
Hôm nay tôi như bị ai nhập. Bài viết này là xuất thần giảng đạo cho chính mình, chứ không dám ngông cuồng "lên lớp dạy bảo" với người đọc.
Nếu mọi người trong chúng ta được đặt vào tình thế thử thách phải chọn giữa chữ hiếu và chữ tình, thì chúng ta phải chọn thế nào nhỉ? Hẳn nhiên, đa số trong chúng ta sẽ trả lời là "vì hiếu phụ tình". Trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, Thúy Kiều đã làm như vậy, khi nàng hy sinh mối tình đầu với Kim Trọng, bán mình để chuộc cha già.
Vấn đề cân nhắc giữa tình và hiếu nhiều khi bị người đời làm lu mờ đi, nên cần phải sáng suốt để nhận định rõ vấn đề, hầu khỏi phải sai lầm mà gây cảnh tang thương không cần thiết.
Tôi thí dụ, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết, nhưng cha nàng vì lý do nào đó không ưa anh chàng, và không chấp nhận cho cuộc tình của hai người. Thậm chí, còn nhất quyết rằng: cô mà lấy hắn thì từ nay tôi sẽ từ cô, tình cha con và mọi quan hệ với gia đình này đối với cô kể như chấm dứt. Giữa tình và hiếu, cô hãy khéo chọn đi.
Ai trong chúng ta nếu thường xem những vỡ tuồng cải lương hoặc những phim tình cảm xã hội, ắt sẽ không lạ gì với hoàn cảnh trên. Nhưng, đều lạ là ở chỗ những chuyện tình lâm ly bi đát ấy vẫn còn xãy ra ngoài đời, ở thời thế hiện đại này. Dường như người ta xem phim, đọc truyện xong rồi lại cho qua lề, xem chúng chỉ như là một món ăn giải trí mà không đếm xĩa gì đến những bài học để đời mà tác giả đã dầy công dàn dựng.
Trở lại ví dụ trên của tôi, thử hỏi hai chữ tình-hiếu trong đấy có giống như hoàn cảnh của Thúy Kiều hay không? Xin thưa, rõ ràng là không, hai trường hợp hoàn toàn khác, vì một bên là thử thách của người, còn một bên là một thử thách của đời. Thử thách của đời là thử thách của tự nhiên, của thiên nhiên, do hoàn cảnh đẫy đưa mà nên, thậm chỉ cũng có thể cho là thử thách của trời ban, nên không thể chấc vấn. Còn nếu là thử thách nhân tạo, thì về mặt tình và lý, cần phải suy xét xem thử thách ấy có công bằng, hợp lý, và có mang tính ích kỷ hay không. Tại sao buộc phải như vậy, trong khi giữa tình và hiếu đều có thể được chu toàn cả hai?
Viết đến đây, vì là người trong Thiên Chúa Giáo, nên tôi liên tưởng đến điều răng thứ tư của mười giáo điều: hãy thảo kính cha mẹ. Vậy thử hỏi, nếu cãi lời cha mẹ trong vấn đề này thì có phải là đã vi phạm giáo điều hay không? Những người làm con trong đạo, nếu lâm vào cảnh này, ắt sẽ bị ray rứt, khỗ tâm không ít. Trong lịch sữ của Giáo Hội đã có không ít trường hợp những vị, như Thánh Phanxicô Assisi, đã bị gia đình từ bỏ, vì lý tưởng của mình. Tôi nêu lên ví dụ này không phải để ví tình yêu cao cả của Thánh Phanxicô dành cho Chúa với chuyện nam nữ thường tình, mà chỉ muốn ngõ ý rằng: "thảo kính" không có nghĩa là mù quáng vâng lời, mà phải biết suy xét, nhận định cho riêng mình, vì chỉ có mình mới hiểu rõ mình nhất, và vì Chúa đã cho mình quyền tự do ý chí đó. Nếu hai người thật sự yêu nhau, ngoại trừ một sô trường hợp trái ngược với luân thường đạo lý, thì không ai có quyền cấm cản họ cả, vì ở đâu có tình yêu, thì ở đấy có Thiên Chúa, bởi Chúa là tình yêu. Bậc làm cha mẹ, nếu thật sự biết thương con, vì con, thì sẽ không cản trở tình yêu của chúng nó mà đưa con cái mình đến hoàn cảnh phải khó xữ phân chia giữa hiếu với tình, mà bi kịch Romeo và Juliet của văn hào Shakespeare là một trong nhiều thảm trạng thực sự có thể xãy đến.
Xin đừng hiểu lầm. Tôi không bao giờ chủ trương xúi giục người ta nên cãi lời cha mẹ. Nhưng phải khẳng định một điều: làm một con người, một cá nhân, cần phải có cá tánh, có lập trường, phải biết suy nghĩ và lập luận cho riêng mình. Đó là cái bản chất và ý chí tự do của trời cho. Cha mẹ thì suốt đời cũng sẽ là cha mẹ. Cha mẹ chí có bổn phận dìu dắt chúng ta trong lúc còn non dại, và tất nhiên đối với công ơn của cha mẹ, phận làm con không thể nào quên được. Nhưng cha mẹ cũng chỉ là con người, cũng có khi đúng, có khi sai. Nếu ta biết rõ mình đang làm gì, và không dối lòng, hành động theo lương tâm, thì chung qui sẽ không có gì phải hối hận cả. Sách có câu "nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt (người không vì mình thì trời tru, đất diệt)", là ý như thế. Việc mình nên làm thì phải làm, còn cha mẹ nếu có bất đồng thì chỉ còn cách giải quyết duy nhất: nhẫn nại thuyết phục và nhờ vào thời gian để hóa giả, chờ cơ hội để báo hiếu nếu được cho phép.
Và riêng về phần mình, cũng khá phải nhớ rằng: tự do đi đôi với trách nhiệm, và sự lựa chọn sẽ tiếp theo bằng hậu quả--đó là luật nhân quả. Vì vậy, cũng giống như lời cam kết giữa hai vợ chồng khi lấy nhau: có phước cùng hưởng, và có họa thì ... ráng mà chịu một mình.
Recent Comments