Đã lâu lắm rồi không đi dự, sáng Chúa Nhật hôm nay, tôi mon men ra Quảng Trường Nathan Phillips để xem cộng đồng người Việt ở Toronto cử hành buổi lễ kỷ niệm ngày Việt Nam Cộng Hòa thất trận. Tôi phải đi thôi, bởi không thể phủ nhận, sự kiện 30 tháng 4 là lý do gián tiếp tại sao tôi đang có mặt trên mảnh đất Bắc Mỹ này. Thế mới rõ một điều: trong cái họa có cái phúc.
Đây là trích đoạn của chương trình truyền hình Vietnam - The Ten Thousand Day War mà hồi mới sang đây tôi đã xem được trên đài Citytv (Toronto), chiếu vào mỗi Thứ Bảy vào 13h00 giờ chiều:
Tôi xem các cụ cựu sĩ quan và binh sĩ của binh chủng VNCH rải rác trong đám đông của Nathan Phillips Square mà thầm mũi lòng cho mấy cụ. Đã hơn 30 năm, tại sao họ không hướng được về tương lai mà cứ ôm mãi vết sẹo xưa? Tại sao họ không quên được biến cố 30 tháng 4 nhỉ? Tôi nghĩ bởi vì vết thương hãy còn đó, và họ vẫn chưa chính thức nhận được lời xin lỗi nào về lối cư xử của Hà Nội đối với họ và các đồng chí của họ sau cuộc chiến. Chiến tranh gây nhà tan, cửa nát đã đành. Nhưng nếu đã "hòa bình", sao lại còn gây phân ly, khiến vợ mất chồng, con thiếu cha. Đối với nhiều người, sự cách ly ấy kéo dài đến mười mấy năm ròng rã. Đối với cá nhân tôi, viết lên bài này coi như là giải tỏa một phần ấm ức nào đó không nói lên được, một bước đầu để xoa dịu vết thương gia đình, đã ly tan sau 30/4, và mãi đến mấy năm gần đây mới tạm gọi là đã "đoàn tụ".
Hôm qua, ngồi ăn tối với phụ thân tôi--có cả nhị đệ của tôi tới chơi--kể chuyện tị nạn ngày xưa, làm sáng tỏ thêm trí nhớ mù mờ của tôi về chuyến hành trình vượt biển của tôi năm xưa. Thì ra, chiếc tàu đã cứu vớt chúng tôi hồi năm 1985 là chiếc J. Paul Getty (được đặt tên theo một công nghiệp gia dầu hỏa cùng tên, còn được gọi là Alaska Getty, treo cờ Liberia, thủy thủ đoàn người Ý). Trước giờ tôi cứ ngỡ nó là chiếc tàu của Na Uy, nhưng thật ra nó thuộc công ty vận chuyển Fuji Trading Co. Ltd. - Marine Supply and Engineering của Nhật, theo thông tin từ phụ thân tôi.
Trả Lại Ta Tây Nguyên
1. Miền Tây Nguyên thân yêu, của quê hương diễm kiều.
Miền Tây Nguyên xinh tươi, nước xuôi về miền dưới.
Nuôi sống bao cánh đồng, lúa ngô khoai gieo trồng.
ĐK:
Trả lại ta Tây Nguyên, trả lại ta Tây Nguyên, thiêng liêng rừng núi
Không thể cho ngọai xâm, không thể cho ngọai xâm, tàn phá quê hương Tây Nguyên.
2. Miền Tây Nguyên thiên nhiên, biển núi sông đất liền
Miền Tây Nguyên quê ta, với cây xanh ngàn lá
Xin cứu lấy núi rừng, tiếng chim ca reo mừng.
Dường như có khuynh hướng đáng lo ngại về những biến chuyển của Trung Quốc đối với Việt Nam. Trước kia họ chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của miền Nam. Rồi thì họ lấn át hơn 1 km biên giới miền Bắc nơi Ải Nam Quan. Nay họ lại tràn vào miền Trung. Dường như các địa thế chiến lược của Việt Nam trên đường bộ và đường biển đang bị "người anh em phương Bắc" của ta bao vây mất.
Đọc qua mấy diễn biến thời sự này để buồn 5 phút cho quê hương, rồi xong thì cho qua. Chứ đối với bọn người Việt lưu vong Thế Hệ Thứ Hai như tôi, thật ra tôi lo lắng về cái nợ nhà (mortgage) kếch xù của tôi hơn là lo Trung Cộng sẽ xâm chiếm Việt Nam. Hơn nữa, người ngoài nước như chúng tôi lại có thể nói gì, làm gì, trong khi những người trong nước hễ lên tiếng thì bị bịt miệng, bị "kiểm điểm". Thôi thì đành trông cậy hết vào các bác lãnh đạo đương thời của chính quyền Việt Nam: Đặng thì lịch sử sẽ ghi ơn; Thất thì sẽ là tội nhân thiên cổ vậy.
Thứ Bảy đi dạo Dufferin Mall, ăn nhầm thứ gì mà cứ đau bụng ngầm suốt buổi tối.
Chúa Nhật tự nhiên bị mất một giờ ngủ. Trưa xách xe chạy vô hai chỗ của Future Shop tìm mua thiết bị minihub mà chả chỗ nào có. Chiều nhờ máy GPS dẫn qua Siêu Thị T&T bên tận góc đường Steeles và Milliken tìm mua cho mẫu thân tôi mấy hộp trà hoa lài hiệu Stassen (hình bên phải). Chẳng hiểu sao bà lại thích loại trà này; sắp về VN chơi, bảo mua cho bà để đem về bên kia uống.
Dạo này gặp phải cụm từ này hơi nhiều. Lúc trước, trên Diễn đàn BBC. Gần nhất là trên blog KHMT quanh đề tài Hoàng Sa-Trường Sa. Gần như hễ ai lên tiếng phê bình chính quyền Hà Nội thì ngay lập tức bị chụp mũ là "phản động", "phản quốc".
Chúa Nhật vừa rồi tôi đi gửi tiền lì-xì Tết về cho mấy đứa em bà con bên VN, định gửi kèm lời nhắn thì chị chủ tiệm bảo, "thôi hãy gọi điện về nhắn đi. Mấy ngày nay bên đó lu bu lắm, thế nào họ cũng sẽ quên kèm lời nhắn của em mà thôi". Tôi tự hỏi, không biết mùa Tết Nguyên Đán năm nay bọn phản động, phản quốc như tôi sẽ đổ bao nhiêu triệu/tỉ đô la vào nền kinh tế VN nhỉ. Nghe đâu, có dự báo: "lượng kiều hối năm 2008 có thể tăng khoảng 2.5 tỉ USD, đạt 8 tỉ USD."
Mấy hôm trước xem lại cuốn phim Tinh Võ Môn do Lý Liên Kiệt đóng (Fist of Legend, 1994). Đoạn cuối phim, Trần Chân nói: "Nếu tôi không còn có một quê hương nữa, ít ra tôi vẫn còn được sống bên người đàn bà tôi yêu." Tôi không còn có một quê hương nữa. Nghe sao thấy buồn buồn.
Hôm Thứ Bảy rồi, cụ thân mẫu nhà tôi cùng gia đình Chú Ba nó đi Hội Chợ Tết ở Quảng Trường CNE (Đài CityNews có bài phóng sự). Còn tôi, theo thói quen "phản xã hội", đã ở nhà...ngủ.
Mấy hôm trước, thấy đài truyền hình địa phương, khi nhắc đến Tết, đã dùng cụm từ "Vietnamese New Year" thay vì "Chinese New Year", đủ chứng tỏ cộng đồng người Việt tại đây đã đạt được một chỗ đứng khá đáng kể trong lòng người bản xứ so với 20 năm về trước. Nhưng Tết nơi xứ người làm sao bằng Tết ở quê nhà, sau hơn 20 năm phiêu bồng, nhất là khi hoàn cảnh không cho cơ hội ăn mừng (Tết đến giữa tuần làm việc). Tết ở đây rời rạc. Trời mùa đông lạnh buốt hồn viễn xứ. Người tha hương nào ở nhà tha hương nấy.
Năm 2006 tôi đã có dịp về quê ăn Tết. Quang cảnh giao thừa ở đường phố Sài Gòn tấp nập và vui nhộn không thể tả. Đó là lần đầu tiên, sau nhiều năm dài, tôi được hưởng hương vị Tết ở Việt Nam. Không kém sự mỉa mai, tôi đã được một người bạn Tây (gốc Anh) hướng dẫn đi dạo phố và dạo quán (ông ta có quán rượu ở Sài Gòn).
Nhớ hồi ở quê nhà (bảy, tám, chín, mười tuổi gì đó), mỗi năm hai bà cháu tôi lên Sài Gòn ăn tết. Cửu Thúc chở ra bến Bạch Đằng coi pháo bông. Xong về nhà, Bà Nội tôi và Cô Năm tôi làm bánh tét, bánh ít. Tôi ngồi kế bên bếp, ôm chân Nội, chờ cơ hội phụ...ăn thử. Có lần buồn ngủ quá thức không nỗi, bèn phải đi ngủ trước. Sáng sớm Nội đem bánh ra chợ bán, lúc nào cũng để lại, lúc thì cái bánh ích nhân đậu sanh, lúc thì khoanh bánh tét nhân dừa, nhân chuối, cho tôi có ăn khi thức dậy. Lúc xưa tôi là đứa bé hư hỏng, nhưng Nội thương tôi nhất.
Giờ đây, nhìn thấy những gì tôi đã làm, không biết Nội có quỡ trách tôi không. Tự tôi biết câu trả lời.
Xin Chúa ban ơn phúc cho Nội, suốt cuộc đời vì con, vì cháu, không chút nghỉ ngơi mãi đến khi an nghỉ ngàn thu. Đây, cháu bất hiếu thắp nén hương lòng, tưởng nhớ ơn dưỡng dục của Nội nhân dịp Tết Năm Tuổi của con. Đồng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tiền bối, bằng hữu. Người đi trước chỉ đường kẻ theo sau. Không có người thì sẽ không có ta. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả.
+++
Recent Comments