Hôm nọ ông sếp CTO củ của tôi, thấy tôi mang xe đạp vào văn phòng, hỏi:
- Ủa, hôm nay trời ướt mà chú mầy cũng đi xe đạp sao?
Tôi dõng dạc trả lời:
- Vâng, trời ướt thì sao? Chỉ ướt thôi chứ đâu có mưa? Tôi lại còn muốn đạp qua một trận mưa lớn nữa cơ, thử xem cảm giác như thế nào.
Sáng hôm nay trời mưa như trút nước. Nhìn ngoài trời tối u, sấm chớp ầm ầm, tôi thụt cổ, lè lưỡi. Thôi, hôm nay đi xe hơi.
Mình chưa chuẩn bị đủ để xông pha trận mưa lớn như thế này. Miễn cưỡng đi thì ắt sẽ ướt như chuột lột--không ướt mình thì cũng ướt giày--và sẽ bị bụi đất ướt bắn dơ hết người. Cần nên "siêu tầm" xem người ta chuẩn bị như thế nào để đi mưa.
Cây thông (pine tree) non trước nhà tôi, từ năm 2005, đã cháy tàn đi gần phân nửa thân, nhưng tôi cứ bỏ mặc cho nó tàn, không thèm đếm xỉa. Hôm Thứ Bảy rồi ra cắt cỏ thì trời mưa lâm râm. Nhìn lại cây non, chưa lớn đã tồi tàn, tôi mới thấy đến lúc phải làm những gì mình nên làm từ lâu: lấy kéo ra, nhánh nào vàng úa, đã chết rồi thì cắt tỉa nó đi.
Hy vọng nó sẽ mọc ra nhánh mới, um tùm, xanh tươi lại như xưa.
Ở phía Đông Bắc Toronto trên đường Steeles, đối diện với Whittamores Farm bên kia đường, có một cái chòi bán bắp với tấm bảng đề "Come in, we're OPEN" (Xin mời vào, chúng tôi có mở cửa). Điều lạ là, khách mua bắp ghé xem thì sẽ không thấy bóng chủ nhân đâu cả. Trước chòi có đặt một cái bàn tính tiền. Trên bàn tính tiền thấy có một cái lon nhựa, trong đó có mấy đồng bạc cắc. Người khách thấy vậy, bèn nhặt mấy trái bắp còn sót lại trong thùng, móc túi lấy mấy đồng cắc bỏ vào lon nhựa, rồi lên xe rời khỏi "tiệm".
Trông có vẻ ma quái ư? Thực ra có một câu giải thích rất đơn giản, mà người ta sẽ hiểu được khi bước vào bên trong chòi.
[Ảnh: Đức Chúa Trời tạo nên Adam (Adam = người đàn ông đầu tiên), Michelangelo, thế kỷ XVI, Sistine Chapel; Nguồn: Wikipedia]
Trong bài viết mang tựa đề Đạo Thiên Chúa chỉ là Đạo Thờ Bò Cải Biến, bác Charlie Nguyễn đã tóm tắc khá rõ ràng quan điểm của bác ta về đạo thờ bò mà bác đã đề cập trong quyển sách "Công Giáo: Huyền Thoại và Tội Ác". Tóm tắc những quan điểm của bác Charlie như sau:
Babylon đã từng thờ bò. Đạo Do Thái nhập từ Balylon. Từ đó suy ra: Đạo Do Thái và các phát xuất từ đạo Do Thái đều là các đạo thờ bò.
Dân Semitic thờ Thần El, nghĩa là "thần bò". Do Thái gọi Thiên Chúa của họ là "El". Suy ra: Do Thái thờ thần bò.
Trong số con cháu của Abraham và của Mai Sen, có kẻ đã tôn thờ bò làm Thiên Chúa. Suy ra, Thiên Chúa của Abraham và Mai Sen là bò.
Về điểm 1, tôi đã đề cập đến vấn đề "cái nôi Babylon" ở đây. Đại ý, giả thuyết cho rằng đạo Thiên Chúa sao chép từ Babylon là hoàn toàn bịa đặt.
Về điểm 2, theo Wikipedia, el là một từ ngữ của dân Tây Bắc Semitic (chứ không phải Semetic), đơn giản có nghĩa đen là "đấng tạo hóa" (god, creator), từ Hán dịch là "thần". Có sự khác biệt rõ rệt giữa "god" và "God". Các tôn giáo đa thần gọi những vị thần của họ là "god". Do Thái giáo và Kitô giáo là tôn giáo độc thần thì dùng từ "God" (tức vị thần trên hết các thần, là Đấng Tạo Hóa, là ông trời). "El" tự nó đã có nghĩa là "thần", vì vậy dùng cụm từ "thần El" (El god) là một sự dư thừa. Hơn nữa, dù thật đã có một nhóm người trong bộ tộc Semitic tôn tượng bò lên làm thần (Bull Ēl--thần bò ~2300BC), không có nghĩa là toàn thể người dân Semitic đều tôn bò làm Chúa Tể Càn Khôn.
Về điểm 3, bác Charlie đã trích vài đoạn Thánh Kinh để "minh chứng" cho quan điểm của bác:
Aaron ra lệnh lập một bàn thờ ở chân núi Sinai và đặt tượng bò lên. Aaron tuyên bố ngày hôm sau sẽ là ngày đại lễ để dân Do Thái tạ ơn Chúa Elohim. Sáng hôm sau, khi dân Do Thái qui tụ đông đảo trước bàn thờ bò, Aaron chỉ vào con bò vàng và nói: "Đây là Thiên Chúa của các người, hỡi dân Irael, đó là Đấng đã mang các ngươi ra khỏi Ai Cập!" (Here is your God, Oh Israel, who brought you out of the land of Egypt). Dân Do Thái cúng tế Thiên Chúa Bò Vàng, sau đó nhảy múa ca hát hết sức vui vẻ. Vừa lúc đó, Moses mang hai tảng đá từ trên núi Sinai đi xuống. Moses thấy dân Do Thái thờ bò vàng bèn nổi giận ném hai tảng đá phá hủy tượng bò. Moses dùng quyền uy của mình cấm dân chúng không được tôn thờ ảnh tượng bò và không được gọi tên Thiên Chúa là Elohim nữa. Từ đó, người Do Thái gọi Thiên Chúa là Jehovah có nghĩa là "Thiên Chúa của các tổ phụ". Mặc dầu Moises gọi Thiên Chúa là Jehovah nhưng ai cũng biết Jehovah là Elohim, tức Thiên Chúa Bò Vàng của các tổ phụ Do Thái (kiêm tổ phụ Công Giáo Việt Nam) là Abraham, Isaac, Jacob!.
Không biết bác Charlie đã dùng bản dịch Kinh Thánh nào. Tra cứu sách Xuất Hành chương 32, câu 4 (Exodus 32:4), tôi thấy:
Ông [Aaron] lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói: "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập."
And when he had received them, he fashioned them by founders' work, and made of them a molten calf. And they said: These are thy gods, O Israel, that have brought thee out of the land of Egypt.
Từ đó cho thấy, người thốt lên câu "Đây là Thiên Chúa của các người, hỡi dân Irael, đó là Đấng đã mang các ngươi ra khỏi Ai Cập!" không phải là Aaron, mà là một số người trong đám đông đã bắt Aaron đúc lên con bò vàng. Hơn nữa, chương 32 câu 7-9 cho thấy Thiên Chúa đà nổi giận vì đám dân đã thờ lạy thần giả thay vì tôn thờ Thiên Chúa thật.
Còn nữa, bác Charlie viết tiếp:
Các vua David, Solomon (thế kỷ 10 TCN) vẫn dùng tượng con bò làm biểu tượng cho Thiên Chúa Jehovah (1 King 12:28 = Bull represents Jehovah).
1 Kings (Các Vua, Quyển I) chương 11 và 12 kể về sự sa đọa của Solomon và Jeroboam. (Xem bản dịch từ giáolý.org11 và 12). Bác Charlie lấy những khúc truyện này làm gương tiêu biểu cho niềm tin Thiên Chúa sao?
Đọc những "nghiên cứu" của bác Charlie Nguyễn tới tới đây, tôi bắt đầu liên tưởng tới những gì bác Ralph Woodrow đã từng nói về mục sư Alexander Hislop:
Khi tôi tra cứu những mẫu tham khảo của ông, tôi nhận ra rất nhiều trường hợp mà những bài tham khảo ấy không hổ trợ cho quan điểm của ông. Càng đào sâu, mọi sự bắt đầu sáng tỏ--"lịch sử" của ông nhiều lúc chẳng qua chỉ là "thần thoại"...sự tùy ý gom góp nhiều mẩu truyện thần thoại này đến thần thoại khác không thể làm nên một nền tảng vững chắc cho lịch sử.
Thế nhưng cuối bài viết của bác Charlie lại ghi:
Bất cứ ai không đồng ý với những điều trên đây thì xin cứ việc thẳng thắn lên tiếng phản bác. Từ mấy năm qua đến nay tôi vẫn mong đợi sự lên tiếng của quí vị tu sĩ cao cấp trong Hội đồng Giám mục, các vị tiến sĩ thần học uyên bác và nhất là những vị trí thức Công giáo đã từng nổi tiếng sừng sỏ trong nhiều năm qua, nhưng tôi chỉ được đáp lại bằng sự im lặng khó hiểu.
Tôi nghĩ, họ im lặng là vì 2 lý do:
bởi họ nghĩ những ai bỏ công ra kiểm chứng những sưu tầm của bác thì họ sẽ thấy những kết quả "nghiên cứu" của bác chẳng qua chỉ là huyền thoại.
thay đổi quan điểm của một người đã có sẵn định kiến, còn khó hơn là dời non, lấp biển.
Bài này không phải về "nghịch lý bánh xe lớn", bởi nếu phải thì tôi sẽ viết rằng chiếc xe mới (bánh 559mm) chạy nhanh hơn xe cũ (bánh 622mm). Thực tế, hôm nay tôi đã cố đạp nhanh, nhưng kết cuộc vào đến công ty với khoảng thời gian 50' (nhớ chuyến đầu tiên tôi đi chỉ tốn 45').
Nhưng có điều, chiếc GT đạp nhẹ hơn, do đó khiến người đạp hăng hái hơn, lên dốc mà vẫn đạp ào ào. Trong khi với chiếc Peugeot, tôi đạp lên dốc còn chậm hơn người chạy bộ. Đây là chuyện có thật. Hôm nọ từ Queensway quẹo lên Ellis (từ Queensway lên tới Morningside là một chặn leo dốc), ở dưới dốc tôi đạp ào ào, vọt qua mặt một bác đang chạy bộ. Khi lên dốc được khoảng 50m, tôi bắt đầu phì phò như bò kéo xe, bèn sang líp lớn cho nhẹ hơn. Cấm đầu cấm cổ đạp một tí nữa, thấy anh chàng chạy bộ bên lề đường, đang từ từ chạy qua mặt tôi.
Biết trước sau gì rồi cũng bị thôi. Sáng nay ra khỏi nhà khoảng 10' là gặp mưa, lâm râm thôi, không lớn, đủ để ướt áo.
Ngừng xe lại, tôi lấy áo mưa đã thủ sẵn trong ba lô ra, mang ba lô vào, tròng áo vào (phủ luôn túi ba lô), đội mũ vào, rồi đạp tiếp. Đến công ty trời vẫn còn lăm răm.
Món đồ chơi mới: ngựa sắt hai chân của Mỹ, GT Tequesta FS:
...được "thỉnh" về từ nhà ông sếp củ của tôi trưa Chúa Nhật rồi.
Mới soát lại tập sổ sách hướng dẫn (owner's manual) ông trao cho tôi hồi tuần trước, trong đó có hóa đơn ghi ngày mua 14/06/1998, với giá tiền $1111.87. Wow! Thank you, BBG! Chí ít, tôi nợ bác một chầu.
Chiếc xe đua của Pháp của tôi, cho về nghỉ hưu là vừa.
Chương Nhập Đề của của tác phẩm Công Giáo - huyền thoại và tội ác có viết:
Người Hy Lạp đặt ra tên JESUS bằng cách ghép chữ đầu của tiếng ICHTBUS, nghĩa là Cá (Fish), là các chữ đầu của cụm từ EOU UIOS SOTER, nghĩa là Con của Đức Chúa Trời (Son of God) để tạo thành tên IESOUS (hàm ý JESUS là Thần Cá Cứu Thế, Con của Thượng Đế). Điều này cho thấy ngay tên của JESUS cũng là một sản phẩm thần thoạị có nguồn gốc tôn giáo của thời kỳ bán khai của nhân loại.
Không biết do đánh máy lầm hay chính là lỗi của tác giả khi dùng chữ ICHTBUS, có lẽ ngụ ý tác giả muốn nói đến từ Ichthus:
- Iota là mẫu tự đầu của chữ Iesous (Ἰησοῦς), tiếng Hy Lạp, nghĩa là Giê-xu.
- Chi là mẫu tự đầu của chữ Christos (Χριστóς) ... Đấng Thánh.
- Theta ... Theou (Θεοῦ) ... thuộc về Đức Chúa Trời.
- Upsilon .... Huios (Υἱός) ... Con Trai.
- Sigma ... Soter (Σωτήρ), Đấng Cứu Nhân Độ Thế.
Vào những thế kỷ đầu tiên, người Kitô giáo đã dùng biểu tượng này làm mật hiệu để nhận diện nhau, hầu tránh bị bắt bớ bởi triều đại La Mã đang truy lùng để tận diệt họ. Mãi tới thế kỷ thứ tư, người ta mới chuyển sang cây Thập Tự làm biểu tượng cho Kitô giáo.
Vòng ngoài của biểu tượng có hình giống như con cá, còn giống như mẫu tự alpha (mẫu tự đầu tiên trong bộ mẫu tự Hy Lạp), ngụ ý: Chúa Giê-xu "là khởi đầu và cũng là tận cùng" (Khải Huyền 22:13).
Còn nếu ai đó, với mức độ "giác ngộ" cao siêu hơn, muốn hiểu theo cách khác, miễn cưỡng cho rằng đạo công giáo tôn thờ thần cá, thì có can hệ gì đến tôi? Hơn nữa, với lối suy luận ấy, họ sẽ liên tưởng đến những gì khi đọc cấu từ của hội đoàn First Universal Christian Kingdom (FUCK)?
Tối nay ra phi trường rước phụ thân tôi từ Seattle về--ông đi thăm một người thầy, đã dạy ông hồi còn học ở Cao Thắng.
Đưa ông về nhà xong tôi quay trở ra đường lộ, trực chỉ hướng tây, hướng về xa lộ 400, chợt thấy trước mặt: nửa vầng trăng thật lớn, thật gần, đang treo lơ lửng ở hướng tây, sắp sửa khuất bóng nơi cuối chân trời. Cảm động bởi hiện tượng hy hữu, định chụp tấm hình lưu niệm, nhưng kẹt đang lái xe, bèn dự định sẽ ghé cái đồi cao gần nhà mà chụp.
Về ngang ngọn đồi gần nhà, tấp xe lại, chạy lên tuốt đỉnh cao nhất nhìn về hướng tây bắc. Không thấy gì hết. Mất cơ hội. Trăng đã tàn lặn.
Hôm qua, do có việc phải chạy tới chạy lui hai ba chỗ, nên đã lấy xe hơi đi làm. Âu cũng là dịp may, bởi chiều vừa về đến nhà là trời mưa. Nếu đi xe đạp thì chắc đã bị ướt như chuột lột.
Tận tâm, tận sức thôi chưa đủ. Đôi khi còn đòi hỏi phải kèm thêm sự hy sinh cá nhân nào đó trước khi được chứng kiến sự thành công mỹ mãn, xán lạn. Đối với tôi trong hơn hai tháng nay, sự "hy sinh" ấy lên đến khoảng $4,800.00.
Tóm tắc cho tuần thứ nhất...Lộ trình đã ấn định hôm trước chỉ dùng qua một lần trong chuyến đi đầu tiên. Bận về, mình đã thay đổi "chiến thuật", chạy dọc theo bờ hồ Lake Ontario, hơi xa hơn nhưng "mát mẻ" hơn nhiều:
Evans -> Royal York (L) -> Manitoba -> Park Lawn -> Waterfront Bike Trail,
qua cầu Humber River Bridge:
...tới Ellis (L).
Thứ Tư tuần rồi đã mua thay cái yên xe:
Chạy thấy khá êm ái, không còn ... ê mông, như mấy hôm trước nữa.
Thứ Sáu rồi trên đường về, tôi cao hứng ngu, định thử xem cái "giàn nhún" mới này êm tới cỡ nào, bèn đạp thẳng qua một "ổ gà" rộng cỡ một gang tay. Dằn một cái khá mạnh mà thấy bàn tọa vẫn ổn, tôi bèn tặc lưỡi đắc ý, cái yên $20 cũng đáng đồng tiền lắm đây. Chạy được 20m nữa, cảm giác xe hơi nặng đạp khác thường, nhìn xuống bánh xe thì thấy...xẹp lép. Cú dằn vừa rồi đã làm bể cái ruột xe phía sau (tuần trước chỉ thay ruột trước). Đành dắt bộ thôi! May là đã về gần tới, chỉ cách nhà 15' đi bộ. Về nhà cất xe xong, cuốc bộ ra CanTire mua ruột mới (~$9) về thay luôn:
Tuần rồi, ông sếp CTO củ của tôi, thấy tôi vừa lên tới văn phòng, trên người còn mang "áo giáp" đi xe đạp, nói
- Ồ, dạo này chú mầy cưỡi xe đạp đi làm à? Nếu tôi là chú thì tôi sẽ không đậu xe phía ngoài trước công ty đâu. Tôi đã từng bị mất cắp đấy!
Ông ta có chiếc xe leo núi (mountain bike) khá xịn, lúc trước cũng đạp đi làm, nhưng nay thì đã thôi.
Tôi gượng cười, đáp:
- Chiếc xe của tôi đã gần 20 năm tuổi, đứa nào muốn lấy gì thì tôi xin mời, cứ tuỳ tiện.
Ông tiếp:
- Chú mầy muốn có xe mới không, tôi cho. Tôi có hai chiếc lận.
Tôi lại cười:
- Thôi, cám ơn. Tôi chạy chiếc này cũng ổn.
Không biết có nên nghĩ lại đề nghị của ông ta không đây.
Recent Comments