Tối hôm qua mẫu thân tôi đi Chùa về, đem về cho tôi mấy cái bánh ít và nhắc tôi lúc xưa Nội tôi hay làm bánh ít, nhất là vào dịp Tết. Mẹ chua thêm: "Hình như ông bà nội [con] chưa đầu thai, dạo này [Mẹ] hay nằm mơ thấy ông bà đang ở trong nhà này." Tôi nửa đùa với mẫu thân rằng nếu thật vậy thì tôi đây quả là có phước, có được ông bà trú ngụ để trông nom cho tôi.
Tôi lấy sự kiện trên làm lời nhủ: lúc cầu nguyện, không những cầu cho người sống mà như đã chết (i.e. tôi) mà còn nên cầu cho những người tuy đã chết, nhưng hãy còn đang sống trong tôi. Tôi tưởng tượng khi mình đang cầu nguyện, thì họ đang hiện về ngồi quanh bên tôi. Chúng tôi là những kẻ đang chết, cùng hướng về Chúa và cầu mong được sự cứu rỗi, nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh--hội thánh thông công.
Chiều hôm qua, tam muội tôi xuống chơi. Lâu lắm rồi nó không xuống thăm tôi, còn mấy dịp tôi lên nhà nó thì không có nó ở nhà.
Hôm nay mẫu thân tôi làm mâm cơm chay cúng giỗ Bà Ngoại tôi. Sáng nay định thức dậy sớm để đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Bà Ngoại, nhưng dạo tâm hồn tôi mệt mỏi, nên ngủ tới 10h00 sáng mới thức giấc.
Sáng nay mẹ tôi đi cúng chùa. Trưa nhị đệ tôi nó lên chơi. Chiều mẫu thân đi chùa về, mua đồ chay từ chùa về, làm mâm cơm cúng ở nhà. Tôi gọi điện mời phụ thân tôi xuống cùng vui--hơi băn khoăn tại sao dạo này tôi cần thiết phải mời thì ông mới xuống. Xong thì tôi xách xe chạy một vòng, mua kết bia cho mấy anh em nhâm nhi, và mua ít trái cây về cúng Bà Ngoại.
Khi tôi về tới nhà, thấy nhị đệ tôi nó đang ở trước cửa nhà, thay mặt tôi "tiếp đón" hai anh truyền đạo Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi vội ra "đỡ lời" nhị đệ tôi. Hai người, một Việt một Tây, xưng tên là "Hòa" và "Bình". Anh Hòa, mẹ lại là một người công giáo, nhưng chẳng hiểu sao anh ta lại theo NCGHV. Tôi trao đổi với hai anh về câu "Gioan 1:1" trong Thánh Kinh Kitô giáo . Tôi hỏi hai anh có sự giải thích thế nào về lối chuyển dịch theo bản dịch NWT. Tôi cố thuyết phục họ về thuyết Chúa Ba Ngôi; họ cố thuyết phục tôi về quan niệm "thần linh" trong tín ngưỡng của họ. Tôi yêu cầu họ nêu lên ví dụ nào khác trong Kinh Thánh mà các thánh nhân hoặc thiên thần được gọi là "god", tương tự như lối dịch của NWT trong "Gioan 1:1" về Chúa Giêsu. Họ hứa sẽ tìm, và sẽ email cho tôi. Về "Gioan 1:1", sau này tôi sẽ có bài "siêu tầm" riêng. Hiện thời, chỉ ghi thêm ý này: tôi hỏi họ về Gioan 1:1 là vì tôi cho rằng quan niệm về Chúa Giêsu là điều tất yếu trong Kitô giáo. Nếu hiểu sai Chúa Giêsu là ai, thì rất có thể ta sẽ hiểu sai những lời dạy của Ngài. Hiện nay hầu hết các giáo phái Kitô giáo đều tin rằng "Giêsu là Đức Chúa Trời", ngoại trừ tín đồ NCGHV tin rằng Giêsu chỉ là một vị thần linh.
Phụ thân tôi xuống tới, mọi người ngồi vào bàn, với mấy món đơn sơ, vừa ăn vừa nghe mẫu thân tôi kể chuyện đời xưa về Bà Ngoại. Quan niệm của tôi về việc cúng giỗ ông bà: mục đích chính là để tưởng nhớ; cúng kiếng là để no bụng cho người sống, chứ người chết thì ăn được gì. Tưởng nhớ là để noi gương những cái hay, thậm chí những cái ta cho là "dở" cũng có thể dạy cho ta được bài học. Bởi mục đích chính là tưởng nhớ, cho nên tôi không đồng ý với lý luận cho rằng chỉ có nơi nào làm nhà thờ chính thức (nhà Dì Hai tôi bên VN, bởi là con gái lớn trong gđ) thì mới làm lễ giỗ, còn ngoài ra thì thôi. Tôi cám ơn mẹ tôi đã cho tôi cơ hội để có thêm chút ấn tượng về bên ngoại.
Đã lâu, tôi không có chút ấn tường gì về Bà Ngoại. Mẫu thân kể, Bà mất năm '77, thọ 46t. Do bệnh đau bao tử nên bà nhập viện để uống thuốc và điều trị, đêm khuya đi tiểu tiện, trượt chân mà té, nằm hôn mê trong nhà cầu. Tới sáng, dì Út tôi (lúc đó khoảng 7-8 tuổi gì đó) đi tiểu, thấy bà nằm đó, bèn vội kêu cấp cứu. Mẹ tôi--lúc đó do phải buôn bán xoay sở cho gia đình nên ở nhà, không trực trong b/v--hay tin thì chạy ngay vào nhà thương trông nom. Mẹ tôi đổ lỗi cho mấy người "bác sĩ quốc doanh" (lúc đó mới vừa "tiếp thu" các bác sĩ "ngụy" đã bỏ chạy hết), thiếu hiểu biết, gây trì trệ, không điều trị gì mà chỉ thử máu cho đến chết, cứu chữa không kịp thời nên Ngoại tôi mới tử vong. Khi Ngoại tôi mất, Mẹ phải mướn xe, giữa đêm đen, chở xác bà về nhà. Mẹ kể, trên đoạn đường về, Mẹ nhìn thấy bóng một người đàn bà đội nón lá, băng qua đường, rồi khuất bóng sau chiếc xe vừa chạy ngang. Bác tài xế hỏi: "Vừa rồi chị có thấy gì không? Đó là ma đó!" Mẹ cho rằng đó là Ngoại tôi, vừa đã xuất hồn.
Chiều hôm qua rời văn phòng, bước ra sân thượng nơi bãi đậu xe, mới 18h30 mà chẳng còn thấy ánh sáng mặt trời đâu cả, chợt nhớ câu nói của Bà Nội tôi lúc xưa: "Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng; Ngày tháng 10 chưa cười đã tối". Ngàn dặm xa xôi cách hơn nửa vòng Trái Đất, câu nói này vẫn còn quá đúng.
Cuộc đời Nội tôi khổ nhiều, sướng ít. Sáng mở mắt ra là làm lụn tất bật, loay hoay chưa làm được chi mà đã tới tối mờ, không thấy đường để cuốc đất nữa nên phải nghỉ thôi. Tối đặt lưng nằm xuống, gác tay lên trán suy tính coi ngày mai sẽ làm gì, ngã lưng chưa được yên thì gà đã gáy, trời đã hừng sáng.
Cuối tuần này đây miền đông Bắc Mỹ sẽ đổi giờ (thụt lùi lại một giờ), câu nói dân gian ở trên sẽ trở nên "bớt đúng"...ừm...hay là càng đúng hơn?
Con vẫn luôn nhớ đến Nội, dù cho mấy năm gần đây, thử thách của đời dễ làm con quên lãng.
Tối mấy hôm trước, sau khi dọn dẹp dưới tầng hầm xong , tôi ra sau nhà hóng mát nhìn sao, thấy có một ngôi sao rất tỏ, nổi bật trên nền trời Tây Nam, không biết là sao gì. Đến tối nay (~ 11-12 giờ đêm, trung tuần tháng chín) thì thấy vẫn còn hiện lên nơi vùng đó. Thử tìm trên mạng thì có người nói đấy là sao Thái Bạch (Thái Bạch Kim Tinh - Venus). Stellarium thì bảo đấy là Mộc Tinh (Jupiter). Nếu là sao Thái Bạch thì ...
Venus = Sao Kim, hay Thái Bạch Kim Tinh = Sao Mai = morning star (Isaiah 14:12) = Lucifer = Sa-tăng
Hmm...chắc là không phải. Thân tôi là tạo vật yếu hèn, không dám trực diện đối đầu với Thái Bạch Kim Tinh đâu.
Hồi nhỏ ở dưới quê, tôi hay thích ngắm sao (do Bà Nội tôi dạy). Từ đó đến nay đã mấy chục năm trôi qua. Chắc tôi sẽ phải đầu tư cho một cái ống kính thiên văn.
Năm nay, lần đầu tiên đứa cháu đích tôn đít vại này chứng tỏ rằng hắn xứng đáng bị truất phế: hắn đã quên ngày giỗ Bà Nội hắn (1/5 AL). Bây giờ đi đọc kinh cầu nguyện cho bà đây.
Hôm Chúa Nhật lên nhà mẫu thân để ăn giỗ Ông Ngoại tôi, có tụi nhà nhị đệ tôi từ Guelph lên. Lại nghe nói mấy bà dì, ông cậu bên VN năm nay không ai làm giỗ cho ông, bảo rằng lúc sống ông đã từ bỏ họ thì giờ khỏi cúng giỗ. Tôi thì dùng những dịp này để tìm hiểu thêm về ông từ nơi mẹ tôi, bởi thú thật tôi hầu như chẳng có chút ấn tượng gì cả đối với ông--ngay cả họ tên cũng không biết và mặt mũi ra thế nào cũng không nhớ. Nghe đâu ông qua Mỹ do diện HO (lúc xưa từng là trung úy cảnh sát trong QLVNCH), và từ trần hồi 2005.
Sáng Thứ Hai cả đám tụ lại tại nhà tôi ăn thịt nướng Hàn Quốc. Món này ăn trong nhà là thất bại, bởi nướng được một hồi thì khói mịt mù, bé K dụi mắt, chạy, la inh ỏi. Bèn chế biến: lấy thịt ướp gia vị Hàn, đem nướng khèo theo kiểu Việt. Hết khói.
Sáng nay đọc kinh cầu nguyện cho ông ngoại (kinh Đức Chúa Thánh Thần, kế đó kinh Ăn Năn Tội, tiếp theo là Năm Hai Sự Thương). Tôi cũng lười chán--có mấy dịp này mới chịu đọc kinh.
Tối nay vừa đàm thoại với Ngũ Cô bên VN, trên YM. Bà cô tôi dạo này quá tân tiến; ngược lại dạo này tôi tụt hậu, lâu rồi không chát-chít gì nữa. Chắc cũng hơn hai năm rồi không nói chuyện, nên bà kể chuyện tràn lan đại hải. Được bà bỗ sung cho mấy chi tiết:
Tôi nhắc chuyện sợ ma, bà vở lẽ, bảo: ờ, tao tưởng hồi đó mầy thương tao, sợ tao ngồi may một mình buồn nên chưa chịu đi ngủ. Té ra là mầy sợ ma hả?
Về chuyện của Ông cố tử thương do phụ thân tôi kể, bà đính chính rằng, đấy là Ông Ngoại của Bà Nội tôi, tức là Ông Cố của Ba tôi và là Ông Sơ của tôi. Lần đó Ông bị bắn bị thương thôi, chứ không đến nổi tử vong.
Được biết, bà cũng đã thâu âm một loại bài hát--thì ra là gia đình có máu nghệ sĩ . Tôi đã bảo Vĩnh Ân đăng lên đây:
Mấy tuần trước, phụ thân và nhị đệ tôi xuống làm giỗ cho Ông tôi. Ngồi kể chuyện đời xưa về thời Ông Nội và Ông Cố tôi. Tôi thì nhớ Bà Nội có kể, thời xưa loạn lạc, đạo tặc lan tràn. Nhà Ông Cố tôi ban đêm bị ăn trộm liên miên. Chủ nhà vác tầm vong rượt ăn trộm chạy rầm rầm. Mấy cậu ăn trộm thì trần truồng như nhộng trong bóng đêm, bôi bùn khắp thân thể để khi có bị chủ nhà víu được trong đêm tối thì thân hình trơn tru sẽ tạo thuận lợi cho việc đào tẩu. Phụ thân tôi kể thêm, rằng có lần Ông Cố tôi vác tầm vong rượt bọn ăn trộm, bị chúng dùng súng đạn chì bắn trả lại, khiến Ông Cố tôi tử thương.
Câu chuyện thời xưa ở trên gợi nhớ chuyện đạo tặc của thời nay. Thay vì ăn cắp đồ thì người ta ăn cắp văn. Bên blog Khoa Học Máy Tính, thấy bác Hưng lại phải phàn nàn vì có ai đó bên VN ăn cắp bài viết của bác ta. Hồi tháng 7 vừa rồi, tôi tình cờ phát giác ra bài viết này trên Wikipedia Tiếng Việt, hầu như là hoàn toàn sao chép từ chương 4 của tác phẩm "công giáo: huyền thoại và tội ác" của Charlie Nguyễn. Wikipedia Việt Ngữ cần có nhiều cố gắng nữa để đạt được trình độ chất lượng của phiên bản Anh ngữ (cho dù bên Anh ngữ cũng có khuyết điểm).
Ngày giỗ Ông Nội tôi nhằm ngày 27-08 AL, tức là hôm Thứ Sáu vừa qua. Do lu bu nên đã chễnh mảng, không đọc kinh đúng ngày cho ông. Thật có lỗi.
Ông tôi quê ở Gò Công, làm nghề thầy giáo trung học tại đấy một thời gian. Sau đó vì việc xin dạy tại trường công lập Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, nên đã dời gia đình lên Mỹ Tho sinh sống. Trong khi đó, ông còn xin dạy thêm ở Hòa Đồng, Chợ Gạo, hằng ngày đạp xe đạp hơn mười mấy cây số để đi dạy. Hè vừa rồi tôi cũng đạp 15 cây số để đi làm mỗi ngày. Vậy là hai ông cháu coi như có chút điểm tương đồng.
Hồi nhỏ tôi ít gần gũi với ông (tôi quấn quýt bên Bà Nội tôi nhiều hơn). Nhưng cũng có vài kỷ niệm khó quên. Nhớ năm '76, '77 gì đó, khi tản cư từ Sài Gòn về Gò Công, từ huyện về ấp Thanh Nhung, mấy thúc thúc cùng mẫu thân và nhị đệ tôi đã rẽ ra, đi xe bò về trước theo ngã Tân Tăng Hòa, còn hai ông cháu từ từ tản bộ về qua ngõ Tân Cương, đi hai bên đồng lúa xanh bát ngát, phơ phất theo từng đợt gió. Thỉnh thoảng trên đường, gặp lại bà con đã từ lâu không gặp, ông dừng lại nói chuyện. Họ hỏi:
- ủa, con của đứa nào đây anh?
- con của thằng N. đó anh.
- chà, hai ông cháu, một già một trẻ, vừa đi vừa tâm sự như hai người bạn vậy nha.
...
Dường như giây phút đồng hành với ông lúc đó là lúc tôi gần ông tôi nhất.
Sau khi đã ổn định ở dưới quê, tôi vào học lớp một. Một hôm ngồi treo vắt võng trên nhánh cây chùm ruột trước nhà, lớn tiếng đọc lào lào bài tập đọc, không nhớ nguyên bài thế nào, chỉ nhớ cuối bài có câu mà tôi dõng dạc đọc là "cho em không lớn". Ông tôi ngồi ở dưới nghe được, bèn lên tiếng sửa là "cho em khôn lớn". Tôi không chịu nghe theo. Thế là hai ông cháu cãi nhau. Sau cùng, ông mệt quá, thốt lên, "Đồ ngu!" Thằng khỉ nhị đệ của tôi ở dưới đất nghe vậy, cũng hòa theo, "hì hì hì ... anh hai nhu! hì hì".
Ông mất năm '80. Còn nhớ đêm đó, nửa đêm chợt tỉnh giấc, thấy mình đang nằm trên nhà bác Ba Giáo ở cùng xóm (Bác Ba là con trai của Ông Sáu, anh ruột của Bà Nội tôi). Hỏi tại sao tôi lại ở đây thì không ai chịu nói. Tôi nằng nặc đòi về vì không muốn ngủ xa Bà Nội. Mãi lâu mấy anh mới đưa tôi về nhà. Bà nhìn tôi mếu máo, "Ông Nội mất rồi con". Tôi ngơ ngác không biết nói gì, cũng không xúc động gì--tuổi thơ chừng ấy làm gì biết ý thức về sinh tử. Thì ra chú tôi đã đưa tôi lên ngủ nhờ bên nhà Bác Ba để gia đình tiện lo tang sự.
Sau đó, đi "thăm nuôi" phụ thân tôi ở Tây Ninh. Trên đường đi bộ mấy cây số từ trạm xe vào trại cải tạo, chung quanh cảnh hùng vĩ của Núi Điện Bà, Bà tôi đã căn dặn nhiều lần: "Ba con có hỏi thì hãy nói Ông Nội vẫn khỏe. Đừng cho Ba con biết Ông mất, kẻo Ba buồn." Tôi răm rắp, vâng vâng, dạ dạ. Đến hồi gặp Ba tôi, Bà Nội đi rửa mặt, còn tôi vô tư ngồi chơi trong lòng Ba. Chợt Ba hỏi "Ông Nội khỏe không con?" Tự nhiên tôi mếu méo, lời thốt ra vô tư như không cầm được, "Ông Nội mất rồi!" Nói xong thì òa khóc lên ngon lành. Phụ thân tôi, trong nỗi đau với tin bất ngờ mất cha, lại phải vội dỗ giành, an ủi đứa con ngỗ nghịch đang ngồi gọn trong lòng ông.
gợi sự thích thú, thưởng ngoạn--đấy là cây xanh, gió mát, và không khí trong lành của mùa hè, chứ còn mỹ nhân thì dạo này không còn đi tuyến đường cạnh bờ hồ như lúc trước nữa cho nên không còn dịp ngắm phái đẹp.
Mãi tới hôm nay tôi mới đạt tới cảnh giới thứ 3, đạp thích thú, hăng say không thấy mệt, và kết quả cụ thể: vượt kỷ lục 45' của mình hồi tháng sáu, hôm nay đến công ty trong vòng 40 phút. Có lẽ sự thích thú nó đi đôi với năng suất. Cũng có lẽ sau một tháng đạp xe đạp, sức khỏe đã có phần khắm khá hơn trước kia. Để xem sẽ duy trì được mức độ này được bao lâu.
Nhắc đến thưởng ngoạn, mỗi lần đạp về ngang con sông Humber, mùi bùn sình từ dưới sông ngát lên, làm tôi nhớ quê Gò Công của tôi quá. Nhớ lúc xưa đi tắm sông với mấy đứa trẻ cùng xóm. Nhớ những lần đi kéo cá cơm, kéo tép cùng với Bà Nội tôi. Nhớ cả những lần tôi ương ngạnh, bướng bĩnh, tự bỏ về, mặc cho Bà tôi kéo một mình (lúc đó tôi chắc khoảng 8-9 tuổi). Xin lỗi Nội!
(khoảng) 3 tây tháng 6, 1997:
Nghe tin Nội tôi (78) do đi đứng bị trợt té mà nằm liệt, tôi từ Canada bay về VN thăm. Ba tôi đã bay khẩn về hơn một tuần trước đó, còn tôi lo phải thu xếp công việc nên mới về sau. Hơn một tuần lễ, Ba tôi hầu cận bên cạnh bà trong bệnh viện, nhưng xem chừng lành ít dữ nhiều, nên bác sĩ đề nghị nên cho bà về nhà. Sau hơn 10 năm, tôi gặp lại bà trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Tôi ôm bà khóc một phen. Bà nhận ra tôi. Liền đó, bà quyết định trao chiếc vòng cẩm thạch lại cho tôi--chiếc vòng mà suốt quản đời, đã không hề rời xa cườm tay bà kể từ khi 19 tuổi. Tôi van bà hãy để lại cho Ngũ Cô (con gái duy nhất trong gđ), nhưng Bà một mực không chịu. Chiếc vòng được tuốt ra khỏi tay. Vài hôm sau Nội tôi qua đời.
Từ đó chiếc vòng đã trở thành biểu tượng cho Nội tôi. Nói theo kiểu "kiếm hiệp" thì là: thấy vòng như thấy người.
Duyệt nhanh lại vài mảnh thư từ củ.... Tháng 10, 2002:
...
Ta muốn nói về vòng cẩm thạch, di vật của Bà Nội. Bởi Nội thương lo cho con, muốn con sớm thành gia thất nên vào những ngày giờ cuối của cuộc đời, Nội không thấy còn gì khác ngoài vòng cẩm thạch trên tay muốn để lại cho con làm lễ vật khi cưới vợ...Ngụ ý khi con trọn bề gia thất thì Nội mới yên tâm. Con phải biết hiểu ngụ ý của Nội là muốn thấy con thành vợ thành chồng, chứ chưa hẳn là muốn trao vòng cẩm thạch một đời gìn giữ của Nội cho một người ngoại tộc.
...
...
...
Vì những lý do trên, Ta quyết định giữ vòng cẩm thạch cùng những di vật của Nội còn tại VN như những di vật gia phả. Chỉ có ai thuộc cùng huyết thống của Bà Nội mới được gìn giữ quản lý mà thôi!
Hmm....Thì ra chiếc vòng từ VN đã xuất ngoại, để rồi nhập nội từ bao giờ. Nhiều lúc tôi phân vân, muốn chôn vùi và quên đi những lời đáng lẽ không nên thốt ra, cử chỉ đáng lẽ không nên làm. Tôi biết cần phải cho nó qua, nhưng dường như tinh thần chưa đạt đước đến bước đó, bởi lòng vẫn còn đau. Chắc là nay mai thôi, và hôm nay là một sự bắt đầu. Phần lớn đều là lỗi tại tôi. Cách cư xử cứng đơ của mình hiếm có ai hiểu được.
Hôm nay là mùng 1 tháng 5. Bà tôi mất, tính đến nay đã tròn 10 năm.
Nội tôi là người không có đạo (ngoài việc thờ cúng ông bà). Nhưng, nhớ lúc xưa khi kể chuyện, bà hay nhắc đến "Ông Trời" và "thời khai thiên lập địa", cho thấy bà đã có ý niệm về Đấng Toàn Năng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Vào khoảng gần cuối cùa đời, bà hơi nghiêng về bên đạo Phật. Là dân nhà nông, câu mà bà thường hay thủ thỉ bên tai tôi:
Mong Trời mưa xuống, có nước tôi uống, có ruộng tôi cày...
Nếu nói đến đọc kinh giỗ trong gia đình, thì có nhiều kinh khác nhau để đọc lắm. Tôi gửi anh/chị link nói về đọc kinh giỗ: http://thanhlinh.net/caunguyen/CacLinhHon/ThamNhiaTrang.htm
...
Đọc kinh giỗ trong gia đình tại nhà, tôi đề nghị bỏ hết phần trên từ kinh cầu các Thánh của trang Thánh Linh.
Đầu tiên làm dấu, đọc kinh Chúa Thánh Thần, kế đó kinh Ăn năn tội, tiếp nên đọc Năm sự thương, sau khi đọc xong Năm sự thương, đọc tiếp kinh Cầu Các Thánh, kế đó nên đọc thêm hai kinh kính tên Thánh của Cụ, và sau đó tiếp tục đọc theo trang Thánh Linh (phần kế của Kinh cầu các Thánh)cho đến hết.
Hồi còn ở Nhật và mấy năm đầu sang đây, tôi rất siêng năng đọc kinh. Nhưng sau đó, và đã khá lâu, không đọc kinh ban sáng hằng ngày. Thôi thì sẵn dịp, đọc theo các kinh ban sáng ngày thường cho trọn, cầu cho Nội và cũng là cầu cho con, cầu cho người chết và kẻ sống luôn thể.
+++
Tối nay ăn cơm tối xong, đang lom khom rửa chén, vui miệng vừa rửa vừa líu lo bài Cõi Vắng mà mình vừa nghe xong. Thoạt đầu hát nhỏ, sau lại hát to lên (đơn thân độc mã mà, đâu cần sợ phải gây phiền ai ). Cao hứng sao, từ nghêu ngao chuyển sang huýt gió hồi nào không hay. Chợt nghe tiếng của Nội tôi văng vẵng bên tai: "Tối khuya rồi mà huýt gió! Không có nên!" Giật mình khi nhận thức ra tiếng nói của bà tôi, tôi liền nín thinh, không huýt nữa.
Bà tôi mất đã gần mười năm rồi.
Lúc xưa khi ở thôn quê, chú út tôi hay huýt sáo trong khi đang mò mẩm tu bổ chiếc radiô mà chú đã tự ráp. Nội tôi thường mắng yêu chú: "Khuya rồi, không nên huýt gió!" Chú tôi cười khì, nhún vai: "Nhằm nhò gì [mà] má [lo]".
Những người thân đã khuất mặt, mình nghĩ họ đã bỏ mình ra đi mất, nhưng thật sự họ vẫn còn, họ vẫn sống trong ta, trong ký ức, và trong hành động của mình mà họ đã một thời vun trồng.
Người ta đua nhau đi tìm thuốc trường sinh để cho họ được sống mãi không già. Họ đã tìm được chăng, tiên đơn thần dược ấy vốn không ở đâu xa, mà là ở chính trên bản thân ta: sống sao cho
con cháu đời sau chúng kính nể,
lưu lại tiếng thơm cho ngàn đời,
ấy mới là thuốc trường sinh vậy. Hình như Nội tôi đã đạt được một phần. Phần còn lại là trách nhiệm của tôi.
Lạy Chúa nhân lành, con ở chốn vực sâu kêu lên. Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được. Nhưng Chúa hằng có lòng lành vô cùng, cùng vì lời phán hứa, sẽ tha hết mọi tội lỗi. Nên con trông cậy và linh hồn con trông cậy. Xin cho các linh hồn tổ tiên của chúng con, sau một quãng đời khó nhọc hoàn tất nhiệm vụ thiêng liêng Chúa giao phó, cần cù lao lực cũng chỉ để gầy dựng tương lai tốt đẹp cho con cháu đời sau. Nay công việc họ đã hoàn tất, xin Chúa cho họ được an nghỉ đời đời và xin cho hồng ân Chúa soi sáng họ suốt ngàn thu. Amen.
Recent Comments