CDK Đọc những diễn biến về
"vụ xô xát" ở giáo xứ Đồng Chiêm (thuộc TGP Hà Nội), đau lòng khi thấy biểu tượng của Chúa bị người ta làm nhục, càng nhận thấy qua những vụ đàn áp này, Chúa đang thử thách lòng bác ái của chính những người con ngoan của mình trước bạo lực.
Đọc bài
Góp ý về Giám mục đồng hành với đoàn chiên của mình bởi tác giả Công Luận, chỉ trích sự im lặng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi tìm đọc lại bài
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Lên Tiếng Hay Không Lên Tiếng, và thấy hình như bác Công Luận hơi quá lời khi cho rằng cả Hội Đồng Giám Mục "sai trái và lạc lõng".
Nếu muốn nói là HĐGMVN không lên tiếng thì việc không lên tiếng ấy cũng có cái lý:
Liên quan đến từng vụ việc cụ thể tại từng địa phương, hơn ai hết, vị giám mục sở tại vừa là người có trách nhiệm chăm sóc một phần Dân Thiên Chúa tại đây (x. GM số 11) vừa là người nắm rõ tình hình và bối cảnh của vấn đề, chính ngài là người đưa ra quyết định cụ thể để giải quyết.
Đây không phải là "lập luận lạc lõng", mà là dựa theo
Điều 455.1 của Bộ Giáo Luật ("Hội Ðồng Giám Mục chỉ có thể ra những sắc luật chung chung trong những trường hợp mà luật phổ quát đã quy định"), và là một lối hành sự cẩn trọng. Động cơ nào đã khiến nhân viên chính quyền đả thương các giáo dân? Giáo dân mình có khiêu khích người ta không?
Lại có đoạn viết:
Đức Thánh Cha Benedictô XVI khi nghe là dân Haiti bị động đất đã gửi thư chia buồn và kêu gọi trợ giúp ngay chứ đâu cần phải phân biệt và chờ vị giám mục sở tại là người nắm rõ tình hình và giải quyết! Đó mới là người Cha có tinh thần thương yêu và đường hướng mục vụ đích thật.
Không hiểu sao tác giả lại nêu lên điểm này. Nếu nhìn vấn đề từ khía cạnh xác suất có thể phán đoán sai lầm do chưa nắm đủ nội tình, so sánh sự kiện Haiti với Đồng Chiêm là một so sánh khấp khễnh. Vai trò của một "người Cha tinh thần" ở đây là Đức Cha Ngô Quang Kiệt (TGM giáo phận Hà Nội), chứ không phải là Hội Đồng Giám Mục. Ngay cả ở Hoa Kỳ và Canada, cũng chưa thấy HĐGM lên tiếng về những sự kiện riêng biệt nào, ví dụ như những vụ nạn lạm dụng tính dục trẻ em bởi hàng giáo sĩ, mà phải nhận
chỉ thị của Tòa Thánh. Nói như thế để cho thấy rằng, hành động của HĐGMVN không phải là ngoại lệ mà thực ra là thi hành Bộ Giáo Luật rất chuẩn.
Mặt khác, Cha Kiệt đã có mặt tại hiện trường để đích tay săn sóc cho các nạn nhân. Mà Cha Kiệt là Tổng Thư Ký đương nhiệm của HĐGMVN. Vậy sao có thể nói là "không lên tiếng"?
Lại có tin đồn rằng có sự chia rẽ giữa Cha Kiệt và HĐGMVN, và rằng bài "Lên Tiếng Hay Không Lên Tiếng" là bằng chứng của sự chia rẽ đó, cho rằng đây như là cái "tát tay" (lời của một vị "blogger Đỏ") vào mặt Cha Kiệt từ HĐGMVN. Tôi cố đọc đi dọc lại mà chẳng tìm thấy cái dấu tát tay nào trong bài viết đó cả. Ngược lại, tôi thấy dường như HĐGMVN muốn tát tay vào mặt chính quyền Việt Nam:
Chẳng nhẽ một đất nước tự hào mình dân chủ gấp trăm lần các đất nước khác, mà ngay cả những quyền căn bản nhất của con người cũng không được tôn trọng sao?...Một xã hội với bốn ngàn năm văn hoá sẽ không chấp nhận dung túng cho cách giải quyết các vấn đề xã hội bằng sức mạnh của cơ bắp."
Dĩ nhiên lời viết đã được uốn nắn rất kỹ trong khuôn khổ "xã hội chủ nghĩa", cho nên có lẽ hơi chói tai đối với những người "chống Cộng". Tuy rằng các Cha hẳn có nỗi khổ tâm riêng, nhưng các ngài vẫn nhấn mạnh: "
có thể khẳng định HĐGMVN đã lên tiếng và sẽ còn lên tiếng".
Có lẽ ai đó nói đúng: trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang có sự chia rẽ. Nhưng, là tín đồ của Chúa, ta phải tin vào lời hứa của Chúa, rằng Ngài không bỏ rơi hiền thê của Ngài, và tin rằng sức mạnh của Ngài sẽ cảm hóa những người có tâm địa bất chính.
Trên đây là đôi lời của một kẻ nghèo đức tin, để tỏ lòng hiệp thông với các thiên thần giàu ơn phúc Chúa tại Đồng Chiêm. Các bác hẳn thừa hiểu nhiều hơn tôi rằng: Họ có thể đập nát thánh giá trên Núi Thờ, nhưng cây thánh giá đó chỉ là biểu tượng bề ngoài, và nếu các bác vững lòng tin, họ sẽ không bao giờ đập được thánh giá in sâu đậm trên mỗi người của các bác.
Recent Comments