CDK (khoảng) 3 tây tháng 6, 1997:
Nghe tin Nội tôi (78) do đi đứng bị trợt té mà nằm liệt, tôi từ Canada bay về VN thăm. Ba tôi đã bay khẩn về hơn một tuần trước đó, còn tôi lo phải thu xếp công việc nên mới về sau. Hơn một tuần lễ, Ba tôi hầu cận bên cạnh bà trong bệnh viện, nhưng xem chừng lành ít dữ nhiều, nên bác sĩ đề nghị nên cho bà về nhà. Sau hơn 10 năm, tôi gặp lại bà trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Tôi ôm bà khóc một phen. Bà nhận ra tôi. Liền đó, bà quyết định trao chiếc vòng cẩm thạch lại cho tôi--chiếc vòng mà suốt quản đời, đã không hề rời xa cườm tay bà kể từ khi 19 tuổi. Tôi van bà hãy để lại cho Ngũ Cô (con gái duy nhất trong gđ), nhưng Bà một mực không chịu. Chiếc vòng được tuốt ra khỏi tay. Vài hôm sau Nội tôi qua đời.
Từ đó chiếc vòng đã trở thành biểu tượng cho Nội tôi. Nói theo kiểu "kiếm hiệp" thì là: thấy vòng như thấy người.
Duyệt nhanh lại vài mảnh thư từ củ....
Tháng 10, 2002:
...
Ta muốn nói về vòng cẩm thạch, di vật của Bà Nội. Bởi Nội thương lo cho con, muốn con sớm thành gia thất nên vào những ngày giờ cuối của cuộc đời, Nội không thấy còn gì khác ngoài vòng cẩm thạch trên tay muốn để lại cho con làm lễ vật khi cưới vợ...Ngụ ý khi con trọn bề gia thất thì Nội mới yên tâm. Con phải biết hiểu ngụ ý của Nội là muốn thấy con thành vợ thành chồng, chứ chưa hẳn là muốn trao vòng cẩm thạch một đời gìn giữ của Nội cho một người ngoại tộc.
...
...
...
Vì những lý do trên, Ta quyết định giữ vòng cẩm thạch cùng những di vật của Nội còn tại VN như những di vật gia phả. Chỉ có ai thuộc cùng huyết thống của Bà Nội mới được gìn giữ quản lý mà thôi!
Hmm....Thì ra chiếc vòng từ VN đã xuất ngoại, để rồi nhập nội từ bao giờ. Nhiều lúc tôi phân vân, muốn chôn vùi và quên đi những lời đáng lẽ không nên thốt ra, cử chỉ đáng lẽ không nên làm. Tôi biết cần phải cho nó qua, nhưng dường như tinh thần chưa đạt đước đến bước đó, bởi lòng vẫn còn đau. Chắc là nay mai thôi, và hôm nay là một sự bắt đầu. Phần lớn đều là lỗi tại tôi. Cách cư xử cứng đơ của mình hiếm có ai hiểu được.
Hôm nay là mùng 1 tháng 5. Bà tôi mất, tính đến nay đã tròn 10 năm.
Nội tôi là người không có đạo (ngoài việc thờ cúng ông bà). Nhưng, nhớ lúc xưa khi kể chuyện, bà hay nhắc đến "Ông Trời" và "thời khai thiên lập địa", cho thấy bà đã có ý niệm về Đấng Toàn Năng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Vào khoảng gần cuối cùa đời, bà hơi nghiêng về bên đạo Phật. Là dân nhà nông, câu mà bà thường hay thủ thỉ bên tai tôi:
Mong Trời mưa xuống, có nước tôi uống, có ruộng tôi cày...
Sẵn dịp này, khởi đầu một tập tục mới. Đi tìm hiểu một chút về cách Đọc Kinh Ngày Giỗ. Bên
Diễn Đàn Thư Viện Toàn Cầu có bài thắc mắc:
Đọc kinh gì trong ngày giỗ. Trích lời bác ThanhXuân:
Nếu nói đến đọc kinh giỗ trong gia đình, thì có nhiều kinh khác nhau để đọc lắm. Tôi gửi anh/chị link nói về đọc kinh giỗ: http://thanhlinh.net/caunguyen/CacLinhHon/ThamNhiaTrang.htm
...
Đọc kinh giỗ trong gia đình tại nhà, tôi đề nghị bỏ hết phần trên từ kinh cầu các Thánh của trang Thánh Linh.
Đầu tiên làm dấu, đọc kinh Chúa Thánh Thần, kế đó kinh Ăn năn tội, tiếp nên đọc Năm sự thương, sau khi đọc xong Năm sự thương, đọc tiếp kinh Cầu Các Thánh, kế đó nên đọc thêm hai kinh kính tên Thánh của Cụ, và sau đó tiếp tục đọc theo trang Thánh Linh (phần kế của Kinh cầu các Thánh)cho đến hết.
Hồi còn ở Nhật và mấy năm đầu sang đây, tôi rất siêng năng đọc kinh. Nhưng sau đó, và đã khá lâu, không đọc kinh ban sáng hằng ngày. Thôi thì sẵn dịp, đọc theo các kinh ban sáng ngày thường cho trọn, cầu cho Nội và cũng là cầu cho con, cầu cho người chết và kẻ sống luôn thể.
+++
Recent Comments