Sau một tuần ấm lạ thường (nhiệt độ cao nhất lên tới 19°C) kết thúc Mùa Đông 2010--hôm qua là ngày xuân phân--cuối tuần vừa rồi trời Toronto lạnh trở lại. Thứ Bảy đi dự tiệc sinh nhật của cu J--tụi nhóc được "thả giàn" một đêm, chơi khuya tới hơn 4h00 sáng mới đi ngủ. Đến chiều Chúa Nhật mới về. Tối, Tam Muội chạy xuống thăm.
Tối Thứ Bảy, ngồi "nhâm nhi" chai St. Remy, nghe/xem tụi nhóc hát Karaoke bài Bohenian Rhapsody, lần đầu tiên giật mình với lời nhạc u ám: "I sometimes wish I'd never been born at all" và "nothing really matters to me". Cảm giác nhất thời: khi một người có cảm giác ghê gớm vậy, không những lỗi do gia đình và môi trường, nhưng còn là lỗi do chính bản thân không tự nhận trách nhiệm với cuộc đời mà mình được ban tặng. Xã hội thật sự đang gặp tệ nạn, khi ta được nghe câu "Ông Trời thật sự thương yêu bạn, dù cho bạn có làm điều ghê gớm gì đi nữa", và lập tức cười chua chát đáp rằng "Đó chỉ là một sự giả dối". Vì bởi, nếu Ông Trời thật sự không thương ta, thì tất nhiên "nothing really matters" (mọi thứ đều là vô nghĩa). Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu trong vườn Gethsemane cũng vì lý do này.
Sáng nay, chở mẫu thân đi khám chuyên khoa mắt. Nghe bà tả rằng mắt bị xốn. Nghe bác sĩ nói bị trầy giác mạc (corneal abrasions).
Gần đây tôi bị thêm "chứng bệnh câm", không tha thiết "nhiều chuyện" nữa. Hy vọng đây là dấu hiệu của giai đoạn trải nghiệm sự "phó thác", hơn là gì gì khác.
Người ta thường nói "anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân". Mới hôm trước, đọc tin về sự sa ngã của Tiger Woods (34t), thì sáng nay lại nghe tin Adam Giambrone (32t) tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua giành ghế Thị Trưởng Toronto, âu cũng vì một chữ "sắc".
Hôm Thứ Năm tuần rồi, tôi mới bắt đầu nghe đọc sách The Republic (Nền Cộng Hòa) của triết gia Plato, cốt chỉ để tìm hiểu thêm về thể chế cộng hòa. Ngay hôm sau, tình cờ đọc được bài phân tích Tiger Woods and Plato của giáo sư chính trị học Carson Holloway (biết qua blog của Lm. Tim Moyle), tôi mới biết rằng The Republic cũng đi sâu vào vấn đề tâm linh.
Theo GS Holloway, Plato gọi linh hồn (soul) là "tâm thần" (psyche), và ông phân chia nó ra thành ba đặc tính: ham muốn (desire), xúc cảm (spiritedness), và lý trí (reason). Điều lý thú là, ông (Plato) so sánh linh hồn như là một thành thị, là nơi trú ngụ của ba thành phần nói trên. Hơn nữa, trong một linh hồn có trật tự, lý trí là thành phần được nắm quyền cai trị, và khi lý trí bị hai đặc tính kia chế ngự, thì linh hồn trở nên hư hỏng. Lý trí không cưỡng chế xúc cảm và sự ham muốn, mà cả hai thành phần này đều hiệp lực với lý trí, tạo nên sự hài hòa cho linh hồn. Chí ít, tôi nghĩ sự hài hòa ấy là tối ưu quan trọng, bởi nếu lý trí được tự do lộng hành, thì lý trí cũng dễ bị hư hỏng, và người ta sẽ lạm dụng lý trí để làm chứng cho sự ngụy biện. Dầu vậy, quan niệm lý trí luôn nắm quyền cai trị--hài hòa hay không hài hòa--tôi vẫn cho là khả nghi. Tôi nghĩ trong đây có sự biểu hiện không phải chỉ là một nền cộng hòa, mà còn là một nền dân chủ: đôi khi lý trí nắm quyền là điều tốt, và có khi khác, xúc cảm nắm quyền lại cũng là một điều tốt.
Hồi nhỏ (chắc độ khoảng 14 tuổi), khi tôi vẫn còn được gần với Chúa tôi hơn so với bây giờ, tôi có lần va chạm với dì tôi. Bà ấy trách oan tôi, nhưng khi tôi cố biện minh thì bà lại cho rằng tôi dối trá. Phụ thân tôi buồn lòng bèn khóa cửa phòng lại mà tủi thân. Thuở ấy tôi thần tượng phụ thân tôi gần bằng Trời, cho nên khi thấy mình đã khiến cha buồn lòng đến vậy, tự nhiên tôi đã quên hết mọi sự oan ức trên đầu mình. Tôi sợ ông làm bậy, nên đã quýnh cống khóc thê thảm, nài xin ông mở cửa. Ông không mở cửa, mà bảo tôi hãy đi học bài đi. Thay vì đi học bài, tôi chạy vào phòng quì xuống cầu nguyện. Vài phút sau, phụ thân tôi cho gọi tôi vào. Tôi quì bên giường cha tôi, miệng mếu máo vừa khóc vừa nói: "Con xin lỗi Ba. Con không muốn làm Ba buồn. Nhưng giờ Ba đã buồn, nên con xin lỗi Ba". Tại đấy, lý trí đã đầu hàng vô điều kiện, và đã nhường ngôi lại cho sự điều khiển hoàn toàn của cảm xúc.
Có thể là hiện giờ, cái mà đang ngự trị trong tâm hồn tôi là một thứ lý trí hư hỏng. Nghĩ đến phụ thân tôi nay tuổi đã già, sức đã yếu, tâm trí có lẽ không còn minh mẫn như khi xưa, tôi không khỏi xót lòng. Nhưng tôi không còn có thể ép mình đi xin lỗi chỉ để làm vừa lòng cha như năm xưa nữa. Nếu là tôi sai, thì quả thật tôi chưa cảm nhận được. Còn nếu ông sai, mà tôi cứ lại nhận lỗi về mình, thì chẳng khác gì tôi làm hại thêm cho phần hồn của ông. Đôi khi ông có cử chỉ bao dung khiến tôi thấy thương ông vô cùng, nhưng chỉ sau một thời gian thì lại đem chuyện cũ bới ra, khiến tôi thắc mắc không biết ông có tiếp nhận một câu nào mà tôi đã nói hay không.
Mặt khác, tôi cũng ý thức được rằng, những sự ngược đãi mà tôi từng nhận được là để tinh luyện cho bản thân tôi. Hay, nói theo cách của giáo sư tin học Randy Pausch: Mọi sự cản trở mà đời đặt ra cho ta là để thử xem ta có thật sự ham muốn niềm hạnh phúc ấy hay không; nó hiện hữu để cản trở những ai khác không ham muốn mãnh liệt bằng mình. Ông Trời sợ tôi trở nên nhàm chán với cuộc đời, nên đã sắp đặt đoạn đường sắp tới đây thêm vài sự cản trở.
Chiều Thứ Hai tuần rồi, trên đường đi làm về, nghe tin vụ động đất mức 7.0 ở Haiti trên đài CBC. 7.0 đâu phải tệ, nhưng nghe giọng thuyết trình không thiên vị của cô xướng ngôn, nghe như chẳng phải chuyện gì to tát. Mãi tới Thứ Năm, lần nữa qua đài phát thanh CBC, khi nghe giọng nói đẫm lệ của một cô gái khi nói về người mẹ bị thất lạc bên đó, tôi mới suýt khóc theo.
Về mặt thương vong: 200,000 trong số 1 triệu dân, trong đó có Đức Tổng Giám Mục giáo phận Port-au-Prince, Joseph Serge Miot.
Về mặt cộng đồng, trận thiên tai này chứng kiến tình nhân loại đổ ra ở mức độ nhanh chưa từng thấy của cộng đồng thế giới đối với một quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, và cũng là một trong số quốc gia có nạn tham nhũng cao nhất thế giới. Thắc mắc: không biết việc Nữ Toàn Quyền đương nhiệm của Canada là người gốc Haiti có phải là một nguyên do? Liên tưởng: nếu Việt Nam được thế giới ủng hộ thế này khi gặp nạn thiên tai thì người dân đỡ khổ biết là bao. Thắc mắc: Về mặt này, không biết chính quyền có phải là chướng ngại hay không.
Về mặt khoa học, tại sao tiên đoán động đất vẫn còn là một bài toán chưa có phép giải? Vũ trụ/thiên văn học, Dịch học có giúp ích gì được không?
Về mặt tâm linh, thiên tai lần nữa gợi lên nghi vấn: tại sao Ông Trời nhẫn tâm để nhân loại chịu khổ? Và rồi, người lạc quan dĩ nhiên sẽ nghĩ rằng: trong những lúc này, Ông Trời đang khóc nhiều hơn con người; và rằng: trong khổ đau, Ông Trời sẽ đem lại sự tốt lành mới (chí ít, sự thể hiện tình thương người-với-người là bằng chứng). Mà qua gương khổ đau của Ông Trời Con, Ngài dường như muốn nói với nhân loại rằng: đừng tuyệt vọng, bởi chính ta đã và đang đồng hành cùng các con trong sự khổ đau này.
Nhờ bác David gợi ý hôm nọ, mấy hôm nay tôi tìm hiểu thêm về phong trào Công Giáo Canh Tân Đặc Sủng (Catholic Charismatic Renewal movement). Theo bài viết trên Wikipedia, phong trào này bắt nguồn từ thập niên 1960 bởi giáo phái Ngũ Tuần (Pentecostals), gọi là Charismatic Renewal (Canh Tân Đặc Sủng, hoặc Canh Tân Thần Ân), và, từ 1967 trở đi, được cộng đồng Công Giáo hưởng ứng. Các chương trình cho phong trào này được gọi là các buổi "Cầu Nguyện Thánh Linh" hoặc "Khóa Thánh Linh" (xem bài viết này trên mạng thanhlinh.net: CHÚNG TÔI DỰ KHÓA THÁNH LINH TẠI NEW ORLEANS). Cộng đồng công giáo ở Austin - Texas cũng có nguyên một web site cho phòng trào này (sao Toronto không có, ta?).
Nói chung, đây là một phong trào lành mạnh, nhằm cho tâm linh và ý chí của con người được hướng về Chúa.
Tuy nhiên, người tu hành có câu nói: "đạo cao 1 thước, ma cao 1 trượng". Tại Toronto, vào năm 1994, đã xãy ra hiện tượng quái đản mà sau này được phổ biến với cái tên Toronto Blessing (Phép lành Toronto), do nhóm nhà thờ (Tin Lành?) tên Toronto Airport Christian Fellowship (TACF) khởi xướng:
Trong bài giới thiệu phong trào Canh Tân Đặc Sủng trên blog Xuân Bích của Đại Chủng Viện Huế, thấy có đề cập tới hiện tượng Toronto Blessing và gọi đó là "làn sóng thứ ba" của phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Cần nhấn mạnh, những người khởi xướng "Toronto Blessing" không phải là tín đồ công giáo, nhưng xem chừng, hiện tượng này đã tạo dư luận lớn lúc bấy giờ, đến nỗi cộng đồng Công Giáo cũng phải lên tiếng. Bác Colin Donovan, phó giám đốc của đài truyền hình EWTN, có bài viết rất hay, đã góp phần cho sự nhận định của tôi về vụ này. Tôi đặc biệt để ý đến câu này: "Thánh Gioan tông đồ đã khuyến khích chúng ta nên thử thách những 'thần linh' này (1 John 4)". Thoáng nghe, tưởng chừng như câu này gây mâu thuẫn với câu: "Anh em đừng thử thách ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thử thách ở Massah" (Đệ Nhị Luật 6:16). Nhưng, với Thiên Chúa không thể có sự mâu thuẫn. Do vậy, tôi buộc phải hiểu rằng: 1 John 4 khuyên đừng vội tin một cách mù quáng mà dễ bị Satan đánh lừa; và ĐNL 6 khuyên rằng khi đã đủ chứng cớ để tin, thì đừng cố chấp, cứng lòng.
Nếu ngày nào đó tôi đi dự các buổi "cầu nguyện thánh linh" do cộng đồng công giáo tổ chức, tôi sẽ đi với mục đích gì khác chứ không phải đi để tìm "dấu lạ". Mục đích gì thì chưa biết. Tôi hay chú ý tới những tác động của Chúa Thánh Thần trong tôi. Chưa thấy có sự thúc giục mạnh mẽ nào lôi cuốn tôi tới phong trào này--có thể câu hỏi đặt vấn đề của bác David là một sự khởi đầu. Hiện thời, tôi có linh cảm với sự tác động này mạnh hơn: hãy đi gặp cha xứ mà xưng tội cho mau!
Đọc bài này trên mạng chiesa, gợi ý đến chiêu này: Lectio Divina--lối đọc linh thiêng, đọc theo linh cảm, đọc với tâm linh hướng thiên, đọc và suy niệm. Hơi giống như phương pháp thiền định bên Phật giáo. Hmm...Để tôi thử luyện bài tập này để suy niệm về bí tích Ngôi Lời nhập thể (incarnation), bí tích thánh thể (transubstantiation), và bí tích phục sinh (resurrection of the body), xem có đả thông được huyệt đạo, giác ngộ được điều gì không, hay là lại bị tẩu hỏa nhập ma đây không biết.
Dùng ngôn ngữ của Phái Giê-Đai mà nói: "hiện đang có một sự nhiễu loạn lớn trong chốn sinh linh." Tên của nó là Vô Thần Giáo (atheism).
Vô Thần Giáo (atheism) là một tôn giáo với niềm tin khá mãnh liệt rằng: không có Thượng Đế. Vô Thần Giáo đã nãy sanh kể từ lâu lâu lắm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cụm lửa này dường như được thổi phồng lên, nhờ sự nhiệt tình của những vị thủ lãnh có tên tuổi, như Richard Dawkins. Giáo Sư Dawkins là một sinh vật gia, phong tục gia, giáo sư của trường Đại Học Oxford và là tác giả của nhiều quyển sách "phản tôn giáo", nổi bật nhất là quyển The God Delusion (Ảo Tưởng về Thượng Đế), một trong những cuốn sách bán chạy nhất của cuối năm 2006 và đầu 2007. Trong đó, giáo sư Dawkins lý luận khá hùng hồn rằng:
Thượng Đế không tồn tại, bởi nếu có Thượng Đế, vũ trụ này hẳn phải khác hơn nhiều so với hiện tại.
Tôn giáo là nguồn cội của mọi sự độc ác đã và đang xãy đến trong thế giới.
Chủ trương của bác Dawkins là: khoa học phải là chủ thuyết tối thượng, bởi không có gì tôn giáo giải thích được mà khoa học không giải thích được, ý đề cập đến thuyết Tiến Hóa (evolution) của khoa học và thuyết Hóa Công Hữu Ý (intelligent design) của Thiên Chúa giáo.
Ở cuối chương 1, GS Dawkins viết:
If this book works as I intend, religious readers who open it will be atheists when they put it down.
Nếu quyển sách này tác dụng theo ý tôi mong mỏi, người mộ đạo khi đọc nó xong sẽ trở thành người vô thần.
Sau khi đọc xong quyển "Ảo Tưởng về Thượng Đế", tôi vui vẻ và thành thật báo cáo rằng: tôi vẫn còn là tín đồ của Đạo Thiên Chúa. Hơn thế nữa, tôi càng tin mạnh mẻ hơn rằng:
Thượng Đế là hằng có và vô tận.
Thượng Đế là một khoa học gia tuyệt vời và hoàn mỹ vô cùng.
Thượng Đế là đấng tạo tác lên vũ trụ này (và, có thể, cả vô số những vũ trụ khác nữa).
Thượng Đế là đấng đã đặt ra các luật lệ "tự nhiên" trong vũ trụ. Những luật lệ mà loài người đã khám phá ra và chứng minh thì gọi là "khoa học" (science). Những luật lệ mà loài người chưa khám phá ra thì gọi là "phép lạ" (miracles).
Thượng Đế là tuyệt đối. Chỉ có nhận thức của loài người về Thượng Đế là tương đối.
Mục đích thuần khiết nhất của tôn giáo là đạo, là đường lối giúp con người sống một cuộc sống hướng thiện. Vì thế, một tôn giáo chân chính không thể phản khoa học.
Giáo sư Dawkins là một tác giả tài ba và hùng hồn. Có thể là ông ta lầm khi chỉ tin tưởng duy nhất ở khoa học--trên đời còn có những bộ môn khác ngoài khoa học . Nhưng có một số vấn đề ông nêu ra về tôn giáo (cụ thể hơn là Thiên Chúa Giáo) thật là hữu lý. Trên phương diện đại chúng, tôi không nghĩ rằng những gì ông ta nêu lên sẽ gây nên sự diệt vong của tôn giáo, nhưng ngược lại nó sẽ giúp củng cố lại tôn giáo, buộc các tôn giáo phải lược lại những niềm tin vào giáo thuyết của mình dựa trên hiện trạng của thời đại.
Đã có nhiều học giả chỉ trích lối lập luận của Dawkins, nổi bật nhất là giáo sư Allister McGrath của Đại Học Oxford và giáo sư Margaret Somerville của Đại Học McGill. Nếu có dịp, tôi sẽ "siêu tầm" thêm về quan điểm của những vị học giả này so với quan điểm của giáo sư Dawkins.
Recent Comments