Chiều Thứ Hai tuần rồi, trên đường đi làm về, nghe tin vụ động đất mức 7.0 ở Haiti trên đài CBC. 7.0 đâu phải tệ, nhưng nghe giọng thuyết trình không thiên vị của cô xướng ngôn, nghe như chẳng phải chuyện gì to tát. Mãi tới Thứ Năm, lần nữa qua đài phát thanh CBC, khi nghe giọng nói đẫm lệ của một cô gái khi nói về người mẹ bị thất lạc bên đó, tôi mới suýt khóc theo.
Về mặt thương vong: 200,000 trong số 1 triệu dân, trong đó có Đức Tổng Giám Mục giáo phận Port-au-Prince, Joseph Serge Miot.
Về mặt cộng đồng, trận thiên tai này chứng kiến tình nhân loại đổ ra ở mức độ nhanh chưa từng thấy của cộng đồng thế giới đối với một quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, và cũng là một trong số quốc gia có nạn tham nhũng cao nhất thế giới. Thắc mắc: không biết việc Nữ Toàn Quyền đương nhiệm của Canada là người gốc Haiti có phải là một nguyên do? Liên tưởng: nếu Việt Nam được thế giới ủng hộ thế này khi gặp nạn thiên tai thì người dân đỡ khổ biết là bao. Thắc mắc: Về mặt này, không biết chính quyền có phải là chướng ngại hay không.
Về mặt khoa học, tại sao tiên đoán động đất vẫn còn là một bài toán chưa có phép giải? Vũ trụ/thiên văn học, Dịch học có giúp ích gì được không?
Về mặt tâm linh, thiên tai lần nữa gợi lên nghi vấn: tại sao Ông Trời nhẫn tâm để nhân loại chịu khổ? Và rồi, người lạc quan dĩ nhiên sẽ nghĩ rằng: trong những lúc này, Ông Trời đang khóc nhiều hơn con người; và rằng: trong khổ đau, Ông Trời sẽ đem lại sự tốt lành mới (chí ít, sự thể hiện tình thương người-với-người là bằng chứng). Mà qua gương khổ đau của Ông Trời Con, Ngài dường như muốn nói với nhân loại rằng: đừng tuyệt vọng, bởi chính ta đã và đang đồng hành cùng các con trong sự khổ đau này.
Trưa nay đọc thư, thấy phụ thân tôi quở trách rằng sao tôi lại bắt mẫu thân tôi lo lắng quá sức. Thì ra bà đã mách với ông rằng bà ở với tôi còn mệt hơn ở một mình. Ngay từ đầu, tôi đã đùa ngoài miệng với mọi người rằng tôi muốn bà về ở chung với tôi vì bởi tôi cần bà nuôi cơm nước, nhưng dụng tâm của tôi hiển nhiên là để cho bà bớt gánh nặng trang trải, để bà rãnh tâm lo toan cho việc khác. Nay thấy mẫu thân thốt lên lời kia thì có nghĩa là dụng tâm của tôi đang thất bại.
Tôi hiểu rõ dụng ý chính của mẫu thân không phải là trách móc tôi, mà là để kỳ vọng vào một việc khác. Nhưng, lòng không khỏi ngấn lên một nét buồn, khi thấy mình bị dùng làm "con cừu dê tế thần" như thế. Tôi cần nên cam tâm, mong rằng mẫu thân sẽ đạt được ý nguyện.
Bên blog Đông A (đạo hữu nào nhẹ bóng vía thì xin đừng tới đó ) vừa có bài viết khiến tôi lưu ý: Bao giờ người Công giáo hết dối trá?. Trả lời ngay: Người Công Giáo hết dối trá khi nào họ đã thành thánh.
Tôi định không lên tiếng, bởi người trong đạo Công Giáo thừa thuộc lòng cả câu chữ lẫn tinh thần của Mười Điều Răn. Cho nên lối lập luận "cấm làm chứng dối không có nghĩa là cấm dối trá như nói dối, viết sai sự thật, nói sai sự thật" thì chỉ có người không hiểu đạo Thiên Chúa mới thốt lên được.
Ý thức được lời của Thánh Phêrô: "Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em (1Peter 3:15)", nhưng cũng dè dặt với Châm Ngôn 11:9 ("Quân vô đạo dùng miệng lưỡi làm hại tha nhân,..."), e rằng chính tôi lại lần nữa vấp phải điều tôi chỉ trích. May thay, đây có liều thuốc giải cho CN11:19: "Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng" (1Peter 3:16). Nếu ta chỉ trích trong tinh thần kính trọng thì đó là điều tốt. Với hành trang này, tôi lao mình vào cơn lửa khinh miệt của bác Đông A Trần Minh Tiến.
Trích đoạn từ bài viết nói trên:
Tôi cảm thấy dường như dối trá là một song hành với Công giáo và điểm này thật ra cũng không phải là khó hiểu bởi vì trong mười điều răn của Chúa không có điều răn nào cấm dối trá....10 điều răn của Chúa trong Kinh Thánh...Chỉ có cấm làm chứng dối trá chứ không cấm dối trá như nói dối, viết sai sự thật, nói sai sự thật.
...
Thiên Chúa giáo là tôn giáo độc thần, ở đó không có sự bình đẳng giữa Chúa và con người, và vì vậy không thể cấm nói dối.
...các chính khách Mỹ nói dối thoải mái và không có một tí mặc cảm tội lỗi nào về chuyện nói dối của mình ... vì họ là tín đồ Thiên Chúa giáo.
Tóm tắc các luận điểm chính để tiện xem xét tính trung thực của từng điểm:
Mọi giới luật của đạo Công Giáo phát xuất từ Mười Điều Răn.
Mười điều răn của Chúa không có điều răn nào cấm nói dối.
Từ đó suy ra, đạo Công Giáo không hề cấm nói dối.
Điểm 1 chưa chính xác lắm, bởi hãy còn Điều Răn Thứ Mười Một: "Hãy yêu thương [mọi người] cũng như Thầy đã thương yêu các con." Thật ra, hàm ý "hãy thương người" đã có sẵn trong các Điều Răn 5 đến 10 rồi. Nhưng con người vẫn cứng lòng, nên Thiên Chúa đã phải xuống phàm trần để làm gương cho nhân loại. Đủ bản lãnh để soi được tấm gương ấy hay không chắc có lẽ là đánh dấu sự khác biệt giữa tiên thánh và người phàm, mặc dù mục đích của Chúa ngay từ đầu là ngõ hầu cho mọi người trở nên thánh.
Vậy, còn lại luận điểm 2, thử xét xem việc cấm nói dối có bắt nguồn từ Mười Điều Răn hay là hàng giáo sĩ (và giáo hoàng) đã vô cớ tự ý đặt ra. Trong TLTH,2-2, Q110,A4 "phải chăng mọi sự dối gian đều là trọng tội?"), Thánh Thomas Aquinas viết:
Dối trá là đi ngược với lời dạy này trong Mười Điều Răn: "Ngươi chớ làm chứng dối".
(lying is against this precept of the decalogue: "Thou shalt not bear false witness.")
Trong De mendacio (Về Sự Dối Gian, ~395AD), Thánh Augustinô có đoạn viết:
...Nhưng, kẻo ai đó sẽ lý luận rằng không phải mọi lời dối đều nhất thiết là thể hiện của việc làm chứng dối, hắn sẽ trả lời sao đối với câu "ăn gian nói dối giết hại linh hồn (Khôn Ngoan 1:11)": và kẻo ai đó lại cho rằng có điều ngoại lệ, hãy để hắn đọc thêm, "Ngài diệt trừ bọn điêu ngoa (Thánh Vịnh 5:7)". Do đâu mà chính Chúa đã từng nói "Nhưng hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Matthew 5:37)". Do vậy, Thánh Phaolô Tông Đồ, cũng để giáo huấn cho việc lảng tránh lão tà--tên gọi của mọi sự tội lỗi--đã nói ngay, "Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói lên sự thật. (Ephesians 4:25)"
(...But lest any should contend that not every lie is to be called false witness, what will he say to that which is written, "The mouth that lies slays the soul:" and lest any should suppose that this may be understood with the exception of some liars, let him read in another place, "You will destroy all that speak leasing." Whence with His own lips the Lord says, "Let your communication be yea, yea; nay, nay; for whatsoever is more than these comes of evil." Hence the Apostle also in giving precept for the putting off of the old man, under which name all sins are understood, says straightway, "Wherefore putting away lying, speak ye truth.")
Cần nhấn mạnh thêm, "chớ làm chứng dối" cấm dối gian ở mọi hình thức, không chỉ riêng ở việc nói dối.
Và sau cùng, động cơ chính của bài viết này là để cho tôi tự xét mình, kẻo người đời lại nghĩ là tôi tự cho rằng mình chưa hề gian dối. Xin nêu lên một ví dụ nho nhỏ đã xãy ra cách đây không lâu:
Tôi yêu cầu anh bạn đồng nghiệp (tạm gọi là A) báo cáo công việc.
A trả lời: Tôi tưởng tôi đã bàn với anh rồi kia mà
Tôi: Nếu tôi không nhớ tức là anh chưa bàn
A: Nếu anh không nhớ thì anh nên sửa lỗi cái bộ não của anh đi!
Tôi: Xin lỗi, bởi câu vừa rồi tôi hơi nhân nhượng. Ý tôi muốn nói là: Anh nói dối! Anh đã chưa hề bàn việc ấy với tôi.
...
Ouch!!!
Buộc cho người khác tội nói dối thì chính mình cũng phạm tội "chớ làm chứng dối". Tôi đã nói lời xin lỗi hai hôm sau, khi anh ta chịu trở lại làm việc.
...sẽ được phát hình trực tuyến, nhờ đài Salt+LightTV: Ordination of Bishop Vincent Nguyen, Wednesday January 13th at 2:50pm ET at St. Michael’s Cathedral in Toronto Ontario.
Cha Hiếu sẽ là Giám Mục Phụ Tá cho giáo phận Toronto và đồng thời là Giám Mục Hiệu Tòa cho Ammaedara (Tunisia).
Tôi nghe nói Cha Hiếu là cháu bốn đời của một trong 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam. Vị thánh đó là ai thì dường như giới truyền thông cố tình không nhắc đến quí danh ngài.
New York : Trong hôm chúa nhật ngày 10 tháng giêng, hàng trăm hành khách trên các chuyến xe điện ở thành phố New York đã chỉ mặc quần lót khi lên xe.
Đây là những tham dự viên của một chương trình có tên là « không mặc quần khi đi xe điện »( No Pants Subway Ride). Yù kiến của các tham dự viên của trò chơi này là họ đi đứng bình thường, làm như không có chuyện gì xảy ra cả. Các tham dự viên đã gặp nhau tại 6 địa điểm trong thành phố New York.
Cảm tưởng bốc đồng của tôi ... Đàn bà không mặc quần ngồi ghế xe: "so cool!" Đàn ông không mặc quần ngồi ghế xe: "ớn!"
Trưa Thứ Bảy chạy sang Home Depot mua 2 con ốc dài về xiết lại cái nắp lỗ sưởi trong phòng ngủ tầng hầm, đã rớt lên rớt xuống mấy tháng nay, chạy sang Canadian Tire mua cái đồ móc thùng rác bên trong cửa phía dưới bồn rữa chén, đã bị hư mấy năm nay. Hóa ra "công tử bột" không phải không làm được nhưng vì không chịu làm (hoặc không được cơ hội để làm).
Trưa nay nhị đệ tôi gọi điện xuống. Nó muốn nhờ mẫu thân tôi mua dùm mấy vé đi xem Hội Chợ Tết, hỏi tôi có định đi không. Tôi bảo: năm rồi đi đã bị một keo "chán", nên năm nay chắc không.
Hồi chiều tam muội xuống chơi (nó đi một mình). Nó đi xem trận bóng rỗ ở trung tâm ACC, lúc về thì ghé nhà tôi chơi. Tôi lại hụt cơ hội "coi mắt" cậu em rễ tương lai. Lâu lắm rồi hai anh em mới có dịp ngồi lại bàn ăn một bữa cơm bình dị (canh cải, trứng chiên, xườn heo kho mặn).
Tuần vừa rồi đã nghỉ lễ nằm nhà. Mai sẽ đi làm trở lại. Hình như hai cái mũi của tôi đến nay vẫn còn bị điếc.
TTO - 11g hôm nay 1-1, "cụ" rùa hồ Gươm đã nổi gần đền Ngọc Sơn. Ban đầu, "cụ" nổi gần khu vực đền Ngọc Sơn sau bơi dần sang phía cửa hàng Thủy Tạ (phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội). Hàng ngàn người dân hiếu kỳ đã đổ xô ra bờ hồ khu vực đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc để ngắm "cụ" rùa.
...
Điều đặc biệt là "cụ" rùa lại xuất hiện đúng vào ngày đầu năm tết dương lịch và cũng trùng vào dịp Hà Nội đang tưng bừng tổ chức lễ hội phố hoa, một trong những hoạt động hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(Dân trí) - Sáng nay, 3/1/2010, một lần nữa cụ Rùa hồ Gươm lại nổi lên, thu hút sự chú ý của hàng trăm người đang đi chơi phố hoa. Sự việc này diễn ra vào khoảng 11h15. Cụ Rùa nhiều lần nổi lên ở khu vực giữa hồ. Những người vô tình nhìn thấy cụ đã hô lớn, kéo theo sự chú ý của nhiều người khác.
Không biết có phải là sự sắp đặt của ai đó hay không đây, kiểu như Nguyễn Trãi đã từng dùng mật ong viết chữ trên lá đa.
Tương truyền, hễ thần Kim Quy xuất hiện thì đất nước sắp có diễn biến trọng đai. Lịch sử có ghi chép ít nhất là 2 lần: thời An Dương Vương (257-207TCN); thời Lê Thái Tổ (1385-1433).
Tôi thèm vở quyển Mai Hoa Dịch Số ra toán thử một quẻ, nhưng cuối cùng quyết định nó là một việc làm vô bổ, nên đã thôi.
Không can hệ gì tới chuyện rùa Hồ Hoàn Kiếm: Thời VNCH, phụ thân tôi đã từng công tác trên chiếc tuần duyên hạm HQ-605 (Kim Quy) với chức vụ hạm phó.
Hôm qua phụ thân tôi nhắn: tam muội của tôi và Mẹ nó muốn tới thăm tôi. Nghe vậy, mẫu thân tôi nói: "Bảo mấy người đó đừng xuống ... Mẹ nói trước, nếu họ mà xuống là Mẹ sẽ không mở cửa cho họ vào. Con mà cho họ vào thì Mẹ sẽ dọn đi."
Dĩ nhiên tôi phải nghe lời thân mẫu tôi, nhưng không nhiều thì ít, bà kia cũng đã từng nuôi cơm cho tôi trong những năm tháng học Trung Học. Đối xử với bà như thế là bất nghĩa.
Chiều nay tam muội tôi gọi điện, giọng buồn buồn, hỏi tôi khi nào nó xuống thăm tôi được, bảo rằng nó sẽ đi một mình vì phụ thân tôi không cho mẹ nó đi cùng. Tôi bảo nó khỏi xuống. Nay mai tôi sẽ có dịp lên đó, và sẽ ghé thăm mẹ nó.
Tụi nhị đệ đã ra về hồi chiều, sau 1 đêm và nửa ngày "tưng bừng" mừng năm mới tại nhà Bác Hai tụi nhỏ. Chiều hôm qua nó và phụ thân tôi chạy khắp nẻo tìm mua chiếc bánh sinh nhật cho mẫu thân tôi, sau cùng đành toại với hai ổ ... pizza, không đèn cầy. Đám con cháu vây quanh để chúc mừng sinh nhật. Mẫu thân than: sao bắt bà sanh sớm"? (Sáng nay phụ thân đã đền bù bằng cái bánh đẹp và ngon tuyệt từ tiệm bánh Đồng Khánh.) Tối đến kéo xuống tầng hầm mở đài CityTV lên chờ thiên hạ đón mừng năm mới trước khuôn viên Tòa Thị Chính, mở YM lên gọi về kéo phe VN lên mạng để hàn huyên--lâu lắm tôi mới được nói chuyện với Cửu Thúc. Tôi có chuyện phải kiếu lui, khi trở thì đã 00h30, mất cơ hội xem thiên hạ hò hét mừng giao thừa. Tiếp tục tán gẫu với phía VN đến 03h30 thì dẹp, ngủ.
Bản thân tôi, mấy ngày nay ăn, uống (bia có, rượu vang có) li bì. Nhưng chả nếm được mùi vị của những thứ mình đã ăn/uống, bởi hai lỗ mũi đã bị điếc từ đêm 29.
Tối nay dọn lại chiếc máy tính thời 1999 đã bỏ hoang bấy lâu, thấy có mấy đoạn thâu lại từ băng cassette Tiếu Vương Hội, bèn cho hát lại vài đoạn, nhớ thời mới tới trại tị nạn Omura (Nhật Bản), bởi lần đầu tiên được làm quen với băng hài này là ở đấy.
Mấy hôm nay quá đổi bận rộn, muốn bệnh (cảm cúm, nhứt đầu) mà không có thời gian để bệnh.
Nghe Mẹ tôi báo, trưa/chiều nay nhị đệ sẽ xuống nhà tôi, kế hoạch là năm nay sẽ đón giao thừa (Tết Tây) và tiện thể làm tiệc mừng sinh nhật cho mẫu thân tôi ở nhà tôi.
Chiều hôm qua tôi đi dự lễ Giáng Sinh 17h00, đến khoảng 18h30 thì xong. Vào xưng tội được cha Tập bảo là mình "rối đạo".
Về vừa đến nhà thì phụ thân tôi đến, mang theo một cây bánh Giáng Sinh và một thùng KFC. Tôi mở chai rượu đỏ uống còn phân nửa. Hai cha con vào tiệc, đến gần 20h00 thì mẫu thân tôi đi làm về, cùng nhập tiệc, tới 22h00 thì tan.
Buổi tiệc đạm bạc, không kèn nhạc, nhưng thật nhiều ý nghĩa. Trời đang rơi tuyết, tuổi già mệt mỏi, nhưng ông vẫn lặn lội xuống thăm tôi. Thay vì đi dự mừng sinh nhật Chúa, thì ông xuống mừng sinh nhật tôi. Trục trặc éo le hay là thánh ý Chúa đã khiến ông mua không được bánh sinh nhật (tiệm đã hết bánh sinh nhật) mà lại chọn được bánh giáng sinh? Tôi thật sự là kẻ diễm phúc. Tôi cần cầu nguyện nhiều cho cha tôi hơn là cầu cho tôi, mặc dầu bản thân tôi cũng tội lỗi đầy đầu.
Nhắc đến diễm phúc, gợi nhớ hôm 25 tháng 11 vừa rồi, tình cờ "xem" lễ trưa trên đài truyền hình (trực tuyến) Salt+Light, nghe được bài cầu nguyện này ở cuối lễ:
Lời nguyện của một người lính.
Tôi xin Chúa ban cho tôi sức mạnh, để tôi làm được việc,
và Chúa đã làm cho tôi yếu hơn, để dạy tôi biết khiêm nhường vâng phục ...
Tôi xin sức khỏe, để tôi làm được nhiều việc to tát hơn,
và Chúa đã cho tôi bệnh tật, để tôi có thể làm được những việc tốt hơn ...
Tôi xin sự giàu có, để làm tôi hạnh phúc hơn,
và được ban cho sự nghèo nàn, để cho tôi khôn hơn ...
Tôi xin quyền lực, để được người đời ca tụng,
và được ban sự yếu nhược, để tôi cảm nhận được rằng tôi cần Chúa ...
Tôi xin cho được mọi thứ, để tôi hưởng thụ cuộc đời,
và Chúa ban cho tôi cuộc đời, để tôi hưởng thụ được mọi thứ ...
Tôi chẳng hề được ban cho những gì tôi cầu xin,
nhưng đã được mọi điều tôi hằng hy vọng.
Hầu như ngược với ý tôi, những lời cầu phát xuất từ đáy lòng tôi đã được đáp lại.
Tôi là một trong mọi kẻ giàu sự diễm phúc.
I asked God for strength, that I might achieve,
I was made weak, that I might learn humbly to obey....
I asked for health, that I might do greater things,
I was given infirmity, that I might do better things....
I asked for riches, that I might be happy,
I was given poverty, that I might be wise....
I asked for power, that I might have the praise of men,
I was given weakness, that I might feel the need of God....
I asked for all things, that I might enjoy life,
I was given life, that I might enjoy all things....
I got nothing that I asked for -
but everything that I had hoped for,
Almost despite myself, my unspoken prayers were answered.
I am among all men most richly blessed.
Mấy hôm nay tôi tìm hiểu về chi phái Magi (các vị thông thái đến từ phương Đông đểm chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng). Magi (đọc là Ma-Giai) làm tôi liên tưởng đến phái Jedi trong Star Wars.
Trưa nay, tình cờ xem được chương trình Star of Bethlehem (Ngôi Sao của Bết-lê-hem) của bác Frederick Larson, trên đài EWTN. Khi mở lên thì chương trình đã vào cuộc, may thay tôi tìm được và xem lại toàn bộ trên YouTube:
Tóm lược:
Các tinh tú trên trời không phải là chủ nhân của vũ trụ, không điều khiển cuộc sống của loài người, càng không phải là mục tiêu để loài người tôn thờ (gợi nhớ đến tập tục "Cúng Sao" của đạo Phật). Nhưng chúng có thể cho ta thấy các dấu hiệu của những hiện tượng trên mặt đất, là dấu chỉ của vũ trụ.
Mấy vị thông thái đến từ phương đông có thể là hậu duệ của tiên tri Daniel.
Tháng 6, năm 2 TCN: Mộc Tinh đội vương miện cho ngôi sao Nữ Chúa (Regulus)
Khải Huyền 12:1-5 mô tả những dấu chỉ trên trời về Đức Mẹ thụ thai: chòm sao Trinh Nữ được hào quang của mặt trời chiếu sáng, dưới chân là vầng trăng khuyết; trước mặt có con rồng (chòm sao Sư Tử - Leo, vua Herod) lăm le như muốn nuốt chửng trẻ sơ sinh ngay sau khi được hạ sanh.
Ngày 25 tháng 12, năm 2 TCN: ngày Mộc Tinh thoái vị, rất có thể là ngày "Lễ Giáng Sinh" đầu tiên.
Ngày Chúa bị đóng đinh, mặt trăng đầy máu (nguyệt thực): ngày 3 tháng 4 năm 33.
Ngày Chúa tử nạn, mặt trăng quay trở lại nằm dưới chân Trinh Nữ, trăng tròn, biểu tượng cho một cuộc đời viên mãn.
Nếu giả thuyết của bác Larson là chính xác, thì nay thôi hiểu thêm một lý do vì sao các bậc thượng phụ đã chọn ngày 25 tháng 12 làm lễ Giáng Sinh--đấy có thể là ngày mà các vị Magi tìm gặp được và tặng quà cho đứa bé sơ sinh tên Giêsu, là buổi tiệc sinh nhật đầu tiên của Chúa Hiện Thân.
Cuối tuần vừa rồi mọi người (phụ mẫu thân, nhị đệ, tam đệ muội) tụ lại tại nhà tôi để ăn mừng No-el sớm, bởi 24-25 nhị đệ nó không xuống nhà tôi được, còn tôi không chắc sẽ lên nhà nó được. Nhị đệ tôi nó xuống hôm tối Thứ Bảy và ở chơi tới sáng nay mới về.
Tụi nó có đem xuống bộ phim Đại Hồng Thủy 2012 nên tối Thứ Bảy hai anh em cùng hai đứa cháu (cu J, và cu B cháu vợ của nhị đệ cũng tháp tùng đi chơi) thức khuya để xem. Trước đây tôi đã có đọc vài bình luận về bộ phim này--mấy bác công giáo cho là phim này bài đạo Công Giáo--nên tôi cố tình để ý xem "bài" ở chỗ nào. Nhận xét: Cốt truyện không hay, nhưng phim hay. Nếu muốn nói là "bài" thì cũng có phảng phất. Về cốt truyện, chẳng có gì mới mẻ. Mượn giả thuyết 2012 của nền văn minh Maya để làm tựa, nhưng không đi sâu vào thuyết tận thế Maya (hành tinh X, Nibiru, v.v...), mà lại mượn rất nhiều chi tiết từ truyền thuyết Đại Hồng Thủy thời ông Noah trong Thánh Kinh Cựu Ước của đạo Thiên Chúa: 1) các chiếc tàu được gọi là "arks", 2) con trai của ông Jackson có tên Noah. Không thấy họ đem theo súc vật gì cả cho nên sau trận này, chắc tất cả đều bị tận diệt ngoại trừ loài người. Một trong nhiều điểm phi lý trong phim: trái đất sắp bị tận diệt, nhưng loài người không ai được thông báo trước, ngoại trừ một số ít được tuyển chọn; đối chiếu với câu chuyện thời Noah, khi ông loan báo về thảm họa sắp xảy ra thì mọi người cho rằng ông điên rồ.
Vợ chồng Tam đệ chở bé T xuống chơi tối Chúa Nhật. Bé T tặng Bác Hai món qua vô cùng quí giá: lần đầu tiên chủ tâm cho Bác Hai được ẵm bồng.
Năm nay, mẫu thân tôi vui vẻ nên tôi tạm yên lòng. Tôi e ngại cho phụ thân tôi, vì dạo này thấy ông có vẻ mệt mỏi, mà bản thân mình vẫn chưa chăm sóc được cho ông. Tối qua, trước khi ông ra về, Mẹ tôi "sai" ông đi châm xăng cho xe bà. Tôi biết bà dụng ý muốn được ông chăm sóc, nhưng thấy ông uể oải, tôi bèn nói: Thôi Mẹ để con đi được rồi, Ông Nội [tụi nhỏ] già cả rồi, để ông nghỉ. Nhị đệ tôi chua vào: Ông Nội bị Bác Hai chê già rồi!
Nhớ có lần nhị đệ nó chỉ tôi về cách dùng của hai loại nhớt xịt cho cửa xe ôtô: white lithium grease và silicone spray. Tôi chuyên bị lẫn lộn giữa hai loại này.
Mấy tuần trước cửa kính (phía bên người lái) của xe tôi bị kẹt: Bấm xuống thì được, còn khi bấm lên thì nó rề rà, khựng đứng, không chịu lên, khiến cho tôi bị mấy phen ướt nước mưa khi ra vào cỗng đậu xe của công ty.
Thứ Bảy rồi chạy ra Canadian Tire mua chai Silicone Spray về xịt thử vài cái vào rãnh cửa kính. Mùi hôi nặc nồng. Thử bấm lên xuống cửa kính. Không thấy hiệu nghiệm.
Sáng hôm qua tôi chợt nhớ ra trong nhà xe còn chai White Lithium Grease, bèn lấy đem theo đi làm. Chiều tan sở, ra bãi đậu, đem chai đó ra. Thiếu ống nhựa nhỏ để mồi dẫn nước xịt vào sâu trong các rãnh cửa. Tôi bèn mượn ống dẫn của chai Silicone Spray dùng tạm. Xịt được 5-6 lần thì ống nhựa vụt bay vút vào trong kẹt cửa, vô phương lấy ra (trừ phi tháo banh cái door panel ra). Tôi dừng tay, chịu thua, nhớ lại lần trước cũng bị mất ống nhựa của chay Litihum Grease y như thế này. Thử bấm nút cho cửa kính lên xuống, thấy đã có phần trơn tru hơn trước. Tạm vừa ý.
Đúc kết:
1) Silicone spray dùng trên các viền nhựa, còn mỡ lithium dùng để xịt vào các rãnh kính cho khỏi bị kẹt.
2) Nhớ dùng một tay giữ cái ống nhựa khi xịt, kẻo nó bị bắn vào trong rãnh kẹt là xong.
Chút cảm tưởng, từ một người đứng ngoài lề cộng đồng, nhân dịp xem đoạn video phóng sự trên của TV Thời Báo.
Tôi thấy con em người Việt chúng ta được sinh ra và lớn lên tại Canada (Toronto) rất tha thiết với truyền thống Việt Nam, nhưng lại không biết nói tiếng Việt cho dù hiện tại thành phố Toronto có khá nhiều trường Việt ngữ so với khoảng thời gian mà tôi mới đến đây hơn 20 năm về trước. Tôi thấy hiện tượng trẻ em không biết nói tiếng Việt đây không phải trường hợp dị biệt nhưng là chuyện thường gặp--mấy đứa cháu tôi (đứa lớn nay đã 8 tuổi) cũng không biết nói tiếng Việt, ngoài mấy chữ "Ông Nội", "Bà Nội", "Bác Hai". Điều đó cho thấy, việc duy trì ngôn ngữ của cha ông cho thế hệ sau là một việc làm hết sức khó khăn cho người Việt tha hương.
Đọc bài viết "Thấy người sang…" trên blog Hiệu Minh hôm nọ, nhận thấy rằng đây không phải là khó khăn của cộng đồng người Việt tại Toronto (Canada) thôi, mà còn ở Hoa Kỳ (chí ít, ở New York nơi tác giả đang cư ngụ), thậm chí đối với những người Việt sang đây sau này (tức là không thuộc vào thế hệ tị nạn Cộng Sản). Điều này cho thấy cộng đồng người Việt nói chung, trong nhu cầu đời sống, không coi trọng việc truyền thụ ngôn ngữ cha ông cho lắm, nhưng rồi lại quay ra ta thán rằng tại sao con cháu ta lơ là với cội nguồn.
Thay vì tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ học thường, thì, tôi nghĩ, phối hợp chúng vào giáo trình ngoại ngữ của bộ giáo dục thành phố có lẽ sẽ có hiệu quả hơn. Hai mươi năm về trước, khi tôi học Trung Học, Bộ Giáo Dục Toronto (Toronto Board of Education) đã có giáo trình học Hoa ngữ (Chinese language) có tính điểm (tức là, được tính như một tín chỉ ngoại ngữ trong điều kiện tốt nghiệp trung học). Không thấy có giáo trình tương tự nào cho Việt ngữ. Điều này dễ hiểu vì cộng đồng người Việt lúc bấy giờ hãy còn non. Hiện nay, tìm nhanh trên mạng của TDSB cho thấy có 27 trường dạy Việt ngữ ở cấp bậc tiểu học. Bộ Giáo Dục Công Giáo có 3 trường: James Culnan, Jane Frances, và Barbara. Bậc trung học tại các trường công lập (public secondary schools) thì nghe nói mấy năm trước có lớp tín chỉ Việt ngữ vào buổi tối, nhưng năm nay thì không có, có lẽ do thiếu giảng viên. Giải pháp? Nhập chất xám sang từ Việt Nam (nếu cộng đồng VN ở đây không quá tự hào về mình).
Gợi ý: Quí vị nào bên VN có nhả ý sang Canada hành nghề giáo viên Việt ngữ thì có lẽ bây giờ hãy còn là thời cơ tốt.
Recent Comments